Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EAEU có hiệu lực: Bước vào "cuộc chơi"
Sau hơn một năm trở thành đối tác ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á- Âu (EAEU), gồm các nước: Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, hôm nay 5/10, Hiệp định này chính thức có hiệu lực và mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, hơn 90% các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang những nước này được miễn hoặc giảm thuế đồng thời tiếp cận thị trường có hơn 183 triệu dân. Trước cánh cửa này, các doanh nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng tâm thế để bước vào sân chơi lớn toàn cầu.
Mở ra cơ hội
Theo tính toán của Ủy ban kinh tế Á-Âu, việc thành lập khu vực thương mại tự do giữa EAEU với Việt Nam có thể làm tăng kim ngạch song phương từ 4 tỷ USD hiện tại lên từ 8-10 tỷ USD trong tương lai.
Trong năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực, các nhà xuất khẩu trong khu vực sẽ tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD tiền thuế.
Đặc biệt hơn, cơ hội mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định này là rất lớn, bởi ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các ngành thủy sản, dệt may, da giày-túi xách… sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%; trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn.Cùng với đó, Việt Nam sẽ bãi bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với hơn 59% mặt hàng từ EAEU, bao gồm thịt, bột mì, rượu, thiết bị cơ khí, sản phẩm thép…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, đây là Hiệp định thương mại tự do mang tính lịch sử, không chỉ vì Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết hiệp định này với EAEU mà còn đem đến cơ hội lớn cho xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Không những vậy, Hiệp định này khá toàn diện, bao quát rất nhiều lĩnh vực, từ chất lượng hoá thương mại, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ…; trong đó, hạng mục “Mua sắm Chính phủ” cũng mở để sau này có thể bổ sung phát triển thêm.
Cùng với đó, các mặt hàng như dệt may, nông thủy sản, da giày… của Việt Nam sẽ có lợi thế lớn khi xuất khẩu vào 5 nước thuộc liên minh nhờ được miễn, giảm thuế quan.
Tuy nhiên, để tranh thủ được những lợi ích đó, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ hiệp định đối với từng dòng thuế, từng sản phẩm của doanh nghiệp mình xuất khẩu để tận dụng được tối đa ưu đãi.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam đứng thứ 11 trong số các nước xuất khẩu sang khu vực này và đứng thứ 24 trong số các nước nhập khẩu từ Liên minh Kinh tế Á - Âu.Khi hiệp định này có hiệu lực, việc xoá bỏ thuế quan được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhiều loại hàng hoá.
Đối với EAEU, đó là nông sản, sản phẩm thịt (thịt gia cầm, giò), sản phẩm sữa (pho mát, bơ), lúa mì, bột mì, phân bón, thép ống, thép cán, lốp xe, ô tô (xe tải, xe khách).
Ngược lại, đối với Việt Nam, các mặt hàng của Việt Nam được kỳ vọng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào thị trường Liên minh kinh tế Á – Âu là nông sản, cá, gạo, trái cây, rau quả, sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng….
Theo ông Ivan Gumnikov, đại diện Thương vụ Liên bang Nga tại Việt Nam, sau khi hiệp định này có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam vào Liên minh kinh tế Á – Âu sẽ tăng 50%. Ngoài ra, FTA này cũng xem xét vấn đề đầu tiên là giảm rào cản thuế quan cho hàng dệt may của Việt Nam, nên nhóm hàng này sẽ đến được người tiêu dùng cuối cùng tại thị trường Nga nhờ lợi thế lớn về ưu đãi thuế quan so với các nước không tham gia FTA này khi xuất khẩu sang Nga.
Ông Ivan Gumnikov cho biết thêm, sản phẩm thế mạnh của Nga là xe ô tô (xe tải, xe khách) cũng sẽ có triển vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, hiện thị trường xe ô tô Việt Nam tương đối bão hoà.
Do đó, trước mắt xe ô tô từ Nga xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu theo hạn ngạch (thuế suất 0%) mà Việt Nam cấp. Hiện các hãng xe của Nga là KAMAZ và UAZ đang đàm phán tích cực để thành lập các liên doanh và đang tiến triển khả quan.
Ngoài ra, Nga và Việt Nam cũng đang xúc tiến việc thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng rúp của Nga và tiền đồng Việt Nam) và việc này vẫn đang được thảo luận ở cấp độ chuyên gia. Việc thanh toán bằng nội tệ được kỳ vọng giúp thúc đẩy thương mại và đầu tư tốt hơn giữa hai nước.
Theo thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện nay có khoảng 938 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang Liên minh Kinh tế Á- Âu; trong đó có khoảng 200 doanh nghiệp có kim ngạch lớn, chiếm 90% tổng xuất khẩu, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng: thủy sản, cà phê, cao su, chè, gạo, hạt điều, hạt tiêu, dệt may, giày dép, gỗ, bánh kẹo các loại…; số doanh nghiệp còn lại tham gia xuất khẩu nhưng kim ngạch không đáng kể.
Rõ ràng, việc "bắt tay" với EAEU sẽ mở ra cơ hội "vàng" với các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.
Song, kèm theo đó là không ít thách thức với các doanh nghiệp, bởi sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng nhập khẩu từ chính EAEU để đứng vững trên "sân nhà".
Đón đầu thách thức
Để đón đầu những thành quả do Hiệp định mang lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rất nỗ lực chuẩn bị cho cơ hội xuất khẩu tiềm năng này, từ việc đàm phán các hợp đồng tới tăng cường tiếp cận thị trường.
Đại diện cho giới doanh nghiệp, ông Đinh Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ladoza cho biết, ngoài thị trường Ấn Độ mà Công ty đang nhập các nguyên liệu da và các máy móc thiết bị với thuế suất hiện tại là 0%, Ladoza đang tìm kiếm các đối tác và tiến hành xuất khẩu sang thị trường EAEU với các sản phẩm ba lô, túi xách.
Cùng với đó, công ty cũng đang thiết kế khoảng 20 sản phẩm mới để đưa sang các thị trường khu vực liên minh trong năm 2017.
Ông Vũ Huy Thủ, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đại Dương Xanh, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thủy sản chia sẻ, trong số những mặt hàng tiềm năng và chủ lực của Việt Nam thì thủy sản là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này.
Trước đó, mức thuế của mặt hàng thủy sản vào khoảng 35%, nay giảm về 0%.
Lợi thế này tạo thuận lợi cho ngành thủy sản Việt Nam vươn lên phát triển mạnh và có đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác.
Đây là một cơ hội lớn và hy vọng tạo bước đột phá mạnh mẽ cho các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là ngành thủy sản chế biến.
Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, với lợi thế là quốc gia đầu tiên tham gia ký kết FTA với các nước trong EAEU, doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều mảng thị trường để khai thác.
Cơ hội này sẽ đến với cả những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu lâu nay cũng như những ngành hàng đang đầu tư phát triển. Vấn đề chính là sự chủ động nắm bắt và biến cơ hội thành thành công của doanh nghiệp.
Để có thể tận dụng hiệu quả cơ hội này, trước hết, các doanh nghiệp phải xác định rõ về lợi thế của mình và định vị được ngành hàng, sau đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh để có bước đi vững chắc vào thị trường EAEU.
Song trên thực tế, bên cạnh cơ hội là không ít thách thức với các doanh nghiệp trong nước bởi năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế, quy mô của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhỏ.
Do đó, để biến thách thức thành cơ hội, mỗi doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt đầy đủ về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình và chủ động xây dựng chiến lược phù hợp trong ngắn hạn, dài hạn gắn với các lộ trình giảm thuế. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn khi tham gia giao thương với thị trường EAEU.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), thị trường EAEU được dự báo là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc FTA giữa Việt Nam - EAEU có hiệu lực đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập sâu rộng của Việt Nam với các nước lớn trên thế giới.
Để tận dụng hiệu quả lợi ích mà hiệp định mang lại, không còn cách nào khác là mỗi doanh nghiệp cần nỗ lực vươn lên, định hình cho mình những chiến lược, giải pháp mới trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh với các đối tác nước ngoài và trụ vững trên thị trường trong nước./.
Tin liên quan
-
DN cần biết
Hiệp định đối tác hợp tác EU – Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2016
20:13' - 04/10/2016
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, sau khi được tất cả quốc hội các nước thành viên EU phê chuẩn, Hiệp định đối tác hợp tác EU – Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2016.
-
DN cần biết
Hướng dẫn thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do VN-EAEU
20:29' - 23/09/2016
Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 21/2016/TT-BCT ngày 20/9/2016 hướng dẫn thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU chịu tác động lớn từ Brexit
15:23' - 05/08/2016
Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) nhận định, do tác động của Brexit, nên nhiều khả năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và đi vào thực thi mà không có nước Anh.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Yên Bái trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khu công nghiệp hơn 2.000 tỷ đồng
21:41' - 29/11/2024
Tỉnh Yên Bái đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn 1) cho Tổng Công ty Viglacera – CTCP.
-
Kinh tế Việt Nam
Sự kiện mua sắm Hà Nội đêm không ngủ thu hút 200 doanh nghiệp tham gia
21:38' - 29/11/2024
Sự kiện thu hút hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia và gần 10 địa điểm siêu thị, trung tâm thương mại lớn của các Tập đoàn bán lẻ, hệ thống phân phối, kinh doanh thương mại .
-
Kinh tế Việt Nam
Khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2024
21:23' - 29/11/2024
Trong không khí mua sắm trực tuyến sôi động vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương cũng khuyến khích doanh nghiệp Việt, thương hiệu hàng Việt tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường thương mại điện tử.
-
Kinh tế Việt Nam
Hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn cho Việt Nam
21:04' - 29/11/2024
Biên bản ghi nhớ giữa hai bên đề xuất hàng loạt sáng kiến nhằm củng cố hệ sinh thái bán dẫn của Việt Nam.
-
Kinh tế Việt Nam
Một số quy định mới liên quan đến đất đai chưa “khớp” với hoạt động ngân hàng
21:00' - 29/11/2024
Mặc dù đã được lấy ý kiến góp ý, bổ sung và tiếp thu, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung mà 3 bộ luật mới liên quan đến vấn đề đất đai vẫn chưa “khớp” với Luật các Tổ chức tín dụng.
-
Kinh tế Việt Nam
Năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp lên 90%
19:37' - 29/11/2024
Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ hướng tới mục tiêu tăng tần suất bảo đảm cấp nước lên 90% vào năm 2025 mà còn tiến xa hơn trong việc xây dựng một vùng nông nghiệp bền vững.
-
Kinh tế Việt Nam
Tạo thuận lợi cho việc phân cấp, phân quyền
19:06' - 29/11/2024
Chiều 29/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
-
Kinh tế Việt Nam
Kinh tế Việt Nam qua góc nhìn quốc tế: Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao
18:51' - 29/11/2024
Theo chuyên gia, Việt Nam cần giải quyết những điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nhân lực và tăng cường chuyển đổi xanh để duy trì sức hút đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
-
Kinh tế Việt Nam
Công bố Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2024
17:46' - 29/11/2024
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy cộng đồng doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025, tiếp tục đà phục hồi trong năm 2024.