Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu mang lại lợi ích cho cả hai bên

20:24' - 27/07/2018
BNEWS Cho rằng EVFTA sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai phía, ông Bernd Lange khẳng định, EVFTA còn hỗ trợ trong dài hạn con đường phát triển của hai bên.

Chiều 27/7, nhân dịp Nghị sỹ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện châu Âu đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ báo chí, trao đổi thông tin về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sắp được hai bên ký kết thời gian tới.

Văn kiện của EVFTA đã được hoàn thiện

Tại buổi gặp gỡ, ông Bernd Lange cho biết, văn kiện của EVFTA đã được hoàn thiện sau một loạt nỗ lực giải quyết các vấn đề về kỹ thuật. Văn kiện hiện đã sẵn sàng để biên dịch sang 24 ngôn ngữ chính thức của Liên minh châu Âu, chuyển đến 28 nước thành viên để xem xét nội dung văn kiện và sẽ được ký kết trong thời gian tới.

Đánh giá về khả năng phê chuẩn EVFTA đối với phía Nghị viện châu Âu, ông Bernd Lange cho biết, đây là trách nhiệm của cả hai phía trong quá trình xem xét phê chuẩn. Ông hy vọng việc ký kết sẽ được diễn ra trong khoảng tháng 10/2018 tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM hoặc muộn hơn là tháng 11/2018.

Theo ông Bernd Lange, trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, ông đã gặp gỡ với lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam và thảo luận các vấn đề như: Việt Nam cải cách Bộ luật Lao động, những điều chỉnh đối với Luật Công đoàn.

Hai bên cần nỗ lực hợp tác, thảo luận và giải quyết các vấn đề tồn đọng cho tới thời điểm Nghị viện châu Âu tiến hành rà soát, phê chuẩn Hiệp định này. Ông Bernd Lange hy vọng việc phê chuẩn EVFTA sẽ được hoàn thành trong nhiệm kỳ này của Nghị viện châu Âu, kết thúc vào khoảng tháng 3, tháng 4/ 2019.

Cho rằng EVFTA sẽ mang lại rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai phía, ông Bernd Lange khẳng định, EVFTA còn hỗ trợ trong dài hạn con đường phát triển của hai bên. Ông Bernd Lange bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định của Việt Nam thời gian gần đây với mức GDP trung bình là trên 6%; cho rằng, đây là cơ hội phía Việt Nam cần nắm bắt để tiếp cận được tốt hơn đối với thị trường Liên minh châu Âu; thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn vốn FDI của EU vào Việt Nam.

Đây là lợi ích dành cho cả hai bên. Bày tỏ tin tưởng với nỗ lực của hai bên, việc ký kết, phê chuẩn EVFTA sẽ thuận lợi.

Hai bên cùng có những thách thức cần phải đối mặt và xử lý

Nhấn mạnh EVFTA là một hiệp định dựa trên luật lệ, ông Bernd Lange cho biết, hiệp định có những thành tố rất quan trọng đã được đưa ra như: Vấn đề tự do hóa về thuế quan, quy tắc về nguyên tắc xuất xứ, những tiêu chuẩn, vấn đề về phát triển bền vững.

Nghĩa vụ của cả hai bên cũng được đặt ra, trong đó có việc phê chuẩn 8 Công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Về vấn đề này, Nghị viện châu Âu đã và đang thảo luận với Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy Việt Nam xem xét thông qua 3 Công ước cốt lõi còn lại Việt Nam chưa phê chuẩn; song song với đó, tập trung nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về hiệp định; tổ chức các cơ chế ủy ban giám sát thực thi với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, của công đoàn, các tổ chức phi chính phủ để đem lại những lời khuyến nghị, cố vấn cho Chính phủ của hai bên trong quá trình thực thi hiệp định.

Các bước chuẩn bị trên rất quan trọng trong quá trình hai bên ký kết và đối với việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA trong thời gian tới.

Theo ông Bernd Lange, trong Chương Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA có đưa ra nghĩa vụ của cả hai phía là phê chuẩn 8 Công ước cốt lõi của ILO. Đây là việc rất cần thiết để hai bên cùng tiến tới hợp tác, cùng mang lại lợi ích cho những lao động phổ thông, giúp họ có được một phần công bằng về góc độ lương, điều kiện lao động khi EVFTA đi vào thực thi.

Tuy nhiên, theo ông Bernd Lange, 8 công ước cốt lõi không nhất thiết phải được phê chuẩn toàn bộ trước khi phê chuẩn một hiệp định nhưng phía đối tác phải thể hiện được những cam kết mang tính ràng buộc. Theo đó, họ sẽ phải đưa ra một lộ trình từ giai đoạn phê chuẩn, thực thi, giám sát quá trình thực thi.

Ông Bernd Lange cũng cho rằng, hai bên có những thách thức cần phải đối mặt và xử lý, cụ thể là làm sao nâng cao được nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ hiểu được những lợi ích của EVFTA.

Cho rằng không có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự hiểu được những lợi ích của Hiệp định, ông Bernd Lange cho rằng hai bên cần hỗ trợ những doanh nghiệp này trong việc xây dựng năng lực. Các công ty châu Âu sẽ có những thuận lợi trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính khi tiến hành đầu tư tại Việt Nam.

Tuy nhiên, phía Việt Nam cần thể hiện được cụ thể những điều kiện đã được cải thiện so với những điểm đến đầu tư khác trên thế giới; thể hiện rõ trách nhiệm, nghĩa vụ đưa Việt Nam trở thành một điểm đầu tư ổn định, dự báo được tiềm năng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục