Hiệp hội Ngân hàng cần quan tâm, có ý kiến xây dựng chính sách sâu sát hơn

14:19' - 11/12/2020
BNEWS Hiệp hội Ngân hàng cần quan tâm, có ý kiến sâu sát hơn từ giai đoạn xây dựng chính sách để khi ban hành các chính sách, sẽ có tính khả thi, phù hợp với bối cảnh xã hội, điều kiện ở Việt Nam.

 Hiệp hội Ngân hàng vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2020-2024), phát biểu tại Đại hội, Hiệp hội Ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh, thời gian tới trong quá trình Ngân hàng Nhà nước tham vấn lấy ý kiến, Hiệp hội cần quan tâm, có ý kiến sâu sát hơn từ giai đoạn xây dựng chính sách để khi ban hành các chính sách, sẽ có tính khả thi, phù hợp với bối cảnh xã hội, điều kiện ở Việt Nam. 

Theo Phó Thống đốc, trong nhiệm kỳ vừa qua, của Hiệp hội Ngân hàng đã góp phần trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước, các văn bản quan trọng liên quan hoạt động ngân hàng cho các tổ chức hội viên. Hiệp hội cũng cùng với Ngân hàng Nhà nước xây dựng, ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức trong hoạt động ngân hàng và được triển khai rất hiệu quả hoạt động này.

“Các kết quả Hiệp hội đạt được rất ấn tượng, đặc biệt trên các hoạt động chức năng chính của Hiệp hội, thể hiện rất tốt vai trò cầu nối giữa các tổ chức hội viên. Con số 200 văn bản của Hiệp hội ngân hàng cũng như các tổ chức hội viên tham gia ý kiến trong nhiệm kỳ vừa qua là con số lớn, thể hiện sức lực đóng góp tích cực”, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn đề nghị trong nhiệm kỳ mới  Hiệp hội tiếp tục bám sát định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước để triển khai trong Hiệp hội cũng như các tổ chức hội viên. Đồng thời, Hiệp hội phát huy hơn nữa nguồn lực của các hội viên để có tiếng nói quan trọng, đóng góp cao hơn trong triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, đưa chính sách vào cuộc sống.

Đại hội nhiệm kỳ VII (2020-2024) cũng đã bầu ra Chủ tịch và Tổng Tổng Thư ký mới của Hiệp hội. Theo đó, Đại hội đã bầu Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệm kỳ VII với 13 thành viên; trong đó ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank là Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ VII; và ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), làm Tổng Thư ký hiệp hội.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ VII cam kết sẽ nỗ lực thực hiện có hiệu quả cao nhất với các chỉ đạo, và sẽ gắn vào quá trình thực hiện Nghị quyết đại hội nhiệm kỳ tới. 

Nhiệm kỳ VI vừa qua, Hiệp hội ngân hàng đã tích cực tham gia đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng, thực hiện tốt vai trò liên kết hội viên, tăng cường công tác đào tạo; hỗ trợ tích cực cho tổ chức hội viên giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; kết nạp được thêm 27 tổ chức hội viên mới, ban hành Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng…vai trò, vị thế và uy tín của Hiệp hội ngân hàng được nâng cao.

Hiệp hội ngân hàng hiện có 73 tổ chức hội viên, bao gồm 58 hội viên chính thức, 10 hội viên liên kết và 5 hội viên danh dự; trong đó có 40 ngân hàng thương mại, 11 công ty tài chính, 4 định chế tài chính khác, 13 công ty Fintech và 5 tổ chức khác có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Quy mô và chất lượng hoạt động của các tổ chức hội viên cũng ngày càng tăng lên, giữ ví trí chủ chốt trên thị trường tiền tệ, tín dụng, quản lý khối tài sản xã hội rất lớn với tổng tài sản đến nay chiếm gần 90% toàn ngành (trên 11,6 triệu tỷ đồng), vốn điều lệ chiếm 82% toàn ngành (515 nghìn tỷ đồng).

Hiệp hội ngân hàng là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN kể từ năm 1995, đối tác của Hiệp hội Ngân hàng châu Á và có quan hệ hợp tác với nhiều Hiệp hội ngân hàng khác như Hiệp hội ngân hàng Nga, Italia, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… và nhiều tổ chức quốc tế có uy tín./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục