Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp

14:16' - 06/11/2018
BNEWS Doanh nghiệp nhà nước đang được giao quản lý, sử dụng khối lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước còn thấp.
Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Ngày 6/11, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, quá trình đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là mục tiêu lớn, đúng đắn của Đảng, Chính phủ và đã diễn ra từ nhiều năm nay và đạt những kết quả đáng ghi nhận.

Từ năm 2016 đến nay, đã cổ phần hóa được 74/137 doanh nghiệp, thu về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách và góp phần đa dạng hóa nguồn sở hữu nhiều đơn vị; sau chuyển đổi nhiều doanh nghiệp tiếp tục phát triển, bảo đảm chất lượng và uy tín thương hiệu...

Tuy nhiên, theo ông Tiến, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như cổ phần hóa chậm, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp chậm cải thiện và chưa đồng đều, hiệu quả kinh tế còn hạn chế và có xu hướng giảm dần về tỷ trọng trong GDP...

Đến nay, doanh nghiệp nhà nước đóng góp 22% tổng thu ngân sách và 28% GDP. Hiệu quả hoạt động và tỷ lệ lãi của doanh nghiệp nhà nước nhìn chung thấp nhất so với các thành phần khác.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, qua 20 năm cải cách, số lượng doanh nghiệp nhà nước từ 12.000 doanh nghiệp vào đầu những năm 90, đến nay còn khoảng 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ở 11 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Doanh nghiệp nhà nước đang được giao quản lý, sử dụng khối lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước thấp, chưa xứng với nguồn lực được đầu tư. Một số dự án thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Kết quả sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm, chưa đạt số lượng đề ra.

Nguyên nhân chủ yếu do tâm lý của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp chậm chuyển biến, nặng về sự e ngại, né tránh trách nhiệm hoặc lo mất quyền lợi nếu chuyển đổi mô hình doanh nghiệp; các vướng mắc liên quan đến đất đai, định giá tài sản, sự thiếu đồng bộ về thể chế, quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý sắp xếp lao động, việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả.

Năng lực quản trị doanh nghiệp của một số lãnh đạo còn yếu kém, chậm cập nhật, nhất là trong đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, thiếu tinh thần cầu thị và chưa đáp ứng được sự thay đổi cũng như thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế...

“Thời gian tới, việc cổ phần hoá, thoái vốn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; trong đó, cổ phần hoá các tập đoàn lớn như: than khoáng sản, hoá chất, bưu chính viễn thông… Trong bối cảnh cách mạng 4.0 và sự ra đời của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước rất nặng nề”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Các đơn vị cần đẩy mạnh tốc độ sắp xếp, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp, đồng thời tuân thủ các quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu, thông lệ quốc tế trong bước chuẩn bị cổ phần hóa; có phương án khả thi, nhất là bảo đảm sự chính xác, minh bạch về thông tin, làm rõ vấn đề công nợ để hướng tới những nhà đầu tư giầu tiềm năng. Việc tuyên truyền, giới thiệu là rất quan trọng để phổ biến đến cộng đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến, cũng cho rằng cần tuân thủ, công khai, minh bạch thông tin và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường giám sát minh bạch.

Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Trung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý; trong đó áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế với doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, cần gia tăng hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư trong kinh doanh với cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp.

Theo định hướng đến năm 2030, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ và đa dạng hóa mạnh mẽ sở hữu doanh nghiệp kết hợp với tập trung nâng cao quy mô, tầm hoạt động và sức cạnh tranh đối với một số tập đoàn kinh tế có thương hiệu và năng lực với hy vọng sớm có doanh nghiệp đứng trong TOP 500 thế giới cũng như có thể cạnh tranh trong khu vực.

Dự kiến năm 2020 cả nước còn khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước. Giai đoạn 2016-2020, cả nước phê duyệt phương án cổ phần hoá 136 doanh nghiệp nhà nước, với nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Cao su Việt Nam…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục