“Hiệu ứng Trump” bắt đầu tác động đến kinh tế châu Âu?

06:30' - 28/05/2025
BNEWS Chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu đè nặng lên hoạt động kinh tế châu Âu, và những thay đổi đột ngột trong chính sách của ông đã tạo ra tình trạng bất ổn cho các doanh nghiệp.

Báo Les Echos của Pháp bình luận, các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đã trở nên kém lạc quan hơn dưới làn sóng bảo hộ của Mỹ. Đây chưa phải là một cú phanh gấp, nhưng nền kinh tế châu Âu đang dần chậm lại. Đó là điều được thể hiện qua Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global trong tháng 5/2025.

Chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu đè nặng lên hoạt động kinh tế châu Âu, và hàng loạt những thay đổi đột ngột trong chính sách của Tổng thống Mỹ đã tạo ra tình trạng bất ổn, khiến doanh nghiệp rơi vào thế tê liệt. Chỉ số PMI của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã giảm từ 50,4 điểm trong tháng 4/2025 xuống còn 49,5 điểm trong tháng 5/2025.

Ngành dịch vụ trầm lắng

Ở một góc nhìn tích cực hơn, chuyên gia Bruno Cavalier, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Oddo BHF, nhận định: “Những chỉ số này cho thấy, so với thời điểm trước khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng, môi trường kinh doanh tại châu Âu có giảm một chút, nhưng không sụp đổ”.

 
Tuy nhiên, điều này lại không đúng ở phía bên kia Đại Tây Dương. “Tại Mỹ, các khảo sát với lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy quan điểm rất tiêu cực kể từ khi Tổng thống nhậm chức”, ông Bruno Cavalier lưu ý. Dường như chính nước Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ chính sách kinh tế thất thường của ông Donald Trump so với Liên minh châu Âu (EU). Dù tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm nay dự kiến vẫn cao hơn châu Âu, song các dự báo về mức tăng trưởng đã được điều chỉnh giảm nhiều hơn ở Mỹ so với châu Âu kể từ đầu năm.

Tại châu Âu, niềm tin của lãnh đạo doanh nghiệp có xu hướng giảm trong ngành dịch vụ nhưng lại được cải thiện trong lĩnh vực công nghiệp. Điều này nghe có vẻ nghịch lý bởi chỉ có hàng hóa mới bị Mỹ đánh thuế. Nhưng cho đến nay, các ngành công nghiệp châu Âu đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động. Lo sợ các đợt tăng thuế nhập khẩu sắp tới, các nhà nhập khẩu Mỹ đã đổ xô mua hàng ngoại trước khi biểu thuế mới được áp dụng. Ví dụ, sản lượng dược phẩm và các sản phẩm y tế tại Đức đã tăng vọt 20% chỉ trong tháng 3/2025 (so với tháng 2/2025), chủ yếu để xuất khẩu sang Mỹ trước khi thuế quan có hiệu lực.

Trong lĩnh vực dịch vụ - vốn chủ yếu phục vụ người tiêu dùng châu Âu - tình hình lại trái ngược. Có vẻ người tiêu dùng bắt đầu lo ngại về những quý sắp tới, khiến chi tiêu cho dịch vụ giảm nhẹ. “Đó là điều đáng lo ngại, vì kịch bản giảm tỷ lệ tiết kiệm ở châu Âu - hiện đang ở mức rất cao sau đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng lạm phát - tiếp tục bị trì hoãn”, theo chuyên gia Bruno Cavalier. Sự phục hồi tiêu dùng, vì thế, còn phải chờ, nhất là trong bối cảnh mức tăng lương hiện nay đang ngày càng trở nên ít hào phóng hơn.

“Hiệu ứng Trump" đang tới gần

Không thể tránh khỏi, “hiệu ứng Trump” sẽ còn rõ rệt hơn nữa tại châu Âu trong những tháng tới, vì Mỹ là khách hàng lớn nhất của EU. “Cú sốc thuế quan từ Mỹ vẫn là rất lớn”, chuyên gia Bruno Cavalier khẳng định. “Kể từ cuối năm 2024, mức thuế trung bình tại Mỹ đã tăng gấp 5 lần từ 3% lên gần 15%. Trong lịch sử dài hạn, chưa từng có đợt tăng thuế nào nhanh và mạnh như vậy”, ông nhấn mạnh.

Đó cũng là nhận định của ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JP Morgan - ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - người đã cho rằng ngay cả với đợt tạm ngưng áp thuế được quyết định hồi tháng 4/2025, các mức thuế hiện tại vẫn “khá cực đoan”. Vị lãnh đạo ngân hàng này thậm chí dự đoán một đợt đình lạm (lạm phát cao đi kèm tăng trưởng đình trệ) sắp tới, với tỷ lệ lạm phát có thể lên tới 3,5% vào năm sau, theo ước tính của Oddo BHF. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sức mua của các hộ gia đình Mỹ - vốn chiếm tới 30% tiêu dùng toàn cầu.

Tác động lan truyền sang châu Âu là điều không tránh khỏi. Theo bà Ana Boata, Giám đốc nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Allianz Trade, chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu của châu Âu khoảng 37 tỷ euro trong năm nay.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự báo tăng trưởng của kinh tế Eurozone trong năm 2025 sẽ đạt khoảng 1%, được thúc đẩy chủ yếu bởi các quốc gia miền Nam như Tây Ban Nha. Tuy nhiên, họ cảnh báo rằng đầu tư của doanh nghiệp vào máy móc và thiết bị sẽ suy giảm. Đức - nước dự kiến sẽ chứng kiến năm thứ ba liên tiếp kinh tế trì trệ - chỉ có thể thoát khỏi tình trạng này khi các biện pháp kích thích tài khóa được triển khai, tức là vào năm sau.

Tất nhiên, mọi thứ sẽ còn phụ thuộc vào mức thuế quan cuối cùng mà Mỹ áp dụng. Đợt tạm dừng đánh thuế do ông Donald Trump công bố sẽ kết thúc vào đầu tháng 7/2025, nhưng chuyên gia Bruno Cavalier cho rằng “nhiều khả năng đợt tạm ngưng này sẽ được gia hạn. Khi nền kinh tế Mỹ chịu đến một mức đau đớn nhất định, chính quyền Tổng thống Trump sẽ bắt đầu lùi bước về vấn đề thuế quan”, ông đánh giá.

Việc lợi suất dài hạn tại Mỹ tăng mạnh trong những ngày gần đây và cuộc đối đầu giữa lãnh đạo Walmart và Tổng thống Mỹ có thể sẽ khiến ông Donald Trump hành xử thận trọng hơn trong mùa Hè tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục