Hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực

10:05' - 17/01/2019
BNEWS Toàn ngành đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước, có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo...
Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành công thương. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành công thương, diễn ra sáng 17/1 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhiều dự án lớn của ngành đã đi vào hoạt động và cho ra đời sản phẩm đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành năm 2018.

Cụ thể, dự án Formosa Hà Tĩnh tăng công suất sản xuất với việc đưa lò cao số 2 có công suất 4 triệu tấn/năm đi vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2018, giúp nâng tổng công suất của Fomosa lên 7 - 8 triệu tấn/năm. Tập đoàn Hòa Phát đưa vào hoạt động dự án thép cán 600.000 tấn trong tháng 8/2018. Tập đoàn Hoa Sen đưa thiết bị dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu vào hoạt động với công suất 350.000 tấn. Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm. Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm. Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công có tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất 40.000 xe/năm...

“Toàn ngành đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước, có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, sản xuất chế biến sữa và thực phẩm, sắt thép, kim khí, hóa chất… Đây là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, việc chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy thực hiện đạt kết quả tích cực; bảo đảm bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị và phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc xử lý các dự án bảo đảm thực hiện theo đúng nguyên tắc của cơ chế thị trường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.

“Kết quả đến nay, đã có 2 dự án hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi; 2 dự án đã vận hành sản xuất trở lại; 1 dự án sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi. Các dự án còn lại đang được tích cực xử lý để bảo đảm hoàn thành đúng theo phương án, lộ trình đề ra.”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực công nghiệp tăng 8,79% từ đó, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%. Tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Đáng chú ý, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu chung (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%). Tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 – 2016.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng với tốc độ cao, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Kết quả này tiếp tục phản ánh những dịch chuyển đúng hướng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nói chung và triển khai thực hiện của Bộ Công Thương nói riêng đã phát huy hiệu quả tích cực.

Tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì xu hướng tăng. Chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến hết năm 2018 tăng 12,4% so với năm trước (năm 2017 tăng 10,2%). Nhiều ngành đã có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ sản phẩm đạt mức 2 con số như: sản xuất đồ uống; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ, tinh chế; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn trừ máy móc thiết bị, sản xuất xe có động cơ...), tạo động lực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

Tồn kho các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì mức thấp hơn so với mức tăng của 2017. Chỉ số tồn kho toàn ngành chế biến chế tạo tại thời điểm 31/12/2018 tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm 2017. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân năm 2018 là 64,4%, đạt mức tồn kho thấp nhất trong những năm gần đây./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục