Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việt Nam có thuận lợi lớn khi hội nhập

19:54' - 28/12/2018
BNEWS Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, năm 2019 và những năm tới, Việt Nam có thuận lợi lớn khi hội nhập ở mức độ sâu và rộng với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 28/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với tái cơ cấu công nghiệp, năm 2019 sẽ chứng kiến những nỗ lực của Bộ Công Thương.

“Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương để làm việc cụ thể, đánh giá bối cảnh hội nhập thế hệ mới; từ đó, bàn cụ thể với các địa phương, các ngành hàng về tái cơ cấu; trong đó, tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh và cơ hội để khai thác thị trường các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo ông Trần Tuấn Anh, về kết quả năm phát triển kinh tế, công nghiệp năm 2018, đã có sự tăng trưởng tương đối toàn diện, các lĩnh vực đều có sự tăng trưởng. Những kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu tăng trưởng những năm tới.

Có thể nhận thấy 3 điểm lớn. Thứ nhất là trong mọi hoàn cảnh, Chính phủ thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là các chủ trương, chính sách được Chính phủ xem xét điều hành đồng bộ ở các cấp. Thứ ba là sự chỉ đạo quyết liệt trong các thời điểm, trong bối cảnh năm 2018 phát triển sôi động, phức tạp, môi trường cạnh tranh căng thẳng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, năm 2019 và những năm tới, Việt Nam có thuận lợi lớn khi hội nhập ở mức độ sâu và rộng với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Để có thể khai thác tối đa hiệu quả cũng như cơ hội này, thứ nhất, triển khai hội nhập đổi mới và cải cách ở mức độ sâu rộng trong hệ thống chính trị chứ không chỉ doanh nghiệp.

Chương trình hành động là nền tảng quan trọng không chỉ giúp tăng năng lực cạnh tranh mà còn là động lực để thúc đẩy cải cách thúc đẩy tăng trưởng; trong đó, các bộ ngành, địa phương, ngành hàng phải vào cuộc.

Thứ hai là cần tiếp tục phối hợp đồng bộ và toàn diện hơn, với độ mở kinh tế rất lớn, những môi trường kinh doanh, thương mại trên thế giới sẽ phức tạp hơn...

Thứ ba là cần đảm bảo hạ tầng năng lượng và năng lượng, đây là vấn đề được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Năm 2019, Việt Nam vẫn có thể đảm bảo đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế, xã hội; nhưng về dài hạn, tới 2023, cần hàng loạt biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng.

Vì vậy năm 2019, cần có các giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, đầu tư triển khai, đảm bảo tiến độ các dự án then chốt trong năng lượng, khẳng định vai trò các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí và các tập đoàn khác trong phát triển năng lượng.

Đồng thời, phải rà soát các định chế trong phát triển năng lượng tái tạo, trong 2019, áp dụng cơ chế mới cho điện áp mái, góp phần cân bằng điện, đóng góp năng lượng nói chung; Xây dựng hoàn thiện thị trường than, từ đó đảm bảo ổn định thị trường phát điện và đảm bảo cân bằng điện năng thời gian tới.

Thứ tư là cần có cơ chế chính sách đảm bảo phát triển hạ tầng năng lượng, các trạm biến áp, truyền tải; phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các địa phương trong đảm bảo các dự án đúng tiến độ vì đây là điểm mắc trong giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đề cập đến việc phát triển thị trường nội địa, đây là vấn đề sống còn trong thời gian tới. Chiến lược phát triển thị trường thương mại nội địa đang được lấy ý kiến các địa phương, bộ, ngành và các tổ chức để triển khai.

“Vấn đề này đòi hỏi các tổ chức, địa phương dành sự quan tâm cả về đầu tư thương mại, phát triển hệ thống phân phối, tăng cạnh tranh trong hội nhập. Thương mại điện tử sẽ góp phần tăng cạnh tranh, vì vậy trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, năm 2019 sẽ tiếp tục được hoàn thiện để đảm bảo những lợi ích, an toàn, bền vững...”, ông Trần Tuấn Anh nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục