Hỗ trợ các hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012

14:22' - 27/09/2016
BNEWS Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ban, ngành, các cấp, các địa phương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển hợp tác xã công nghiệp và thương mại.
Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, Bban, ngành địa phương tạo các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã 2012. Ảnh: Vũ Hoàng Kiều My/TTXVN

Theo thống kê, ngành công thương cả nước có 4.328 hợp tác xã duy trì được hoạt động nhưng rất hạn chế trong cải tiến, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh, mở rộng hợp tác, liên kết trong kinh doanh, phát triển thị trường. Một số hợp tác xã thương mại bước đầu đã tổ chức kết nối được với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn.

Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật hợp tác xã 2012, các đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan trên địa bàn tập trung thực hiện chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động cho các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012.

Do đó, tính đến đầu tháng 7/2016, toàn ngành có 3.665 hợp tác xã thành lập trước ngày 1/7/2013; trong đó: lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là 1.967 hợp tác xã; lĩnh vực thương mại là 1.280 hợp tác xã và dịch vụ điện là 418 hợp tác xã.

Đến nay, ngành đã tổ chức lại theo Luật hợp tác xã 2012 được 1.562 hợp tác xã và chuyển đổi theo mô hình khác là 69 hợp tác xã. Tuy nhiên, vẫn còn 2.037 hợp tác xã chưa tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã 2012, chiếm 55,58%.

Nếu trừ 470 hợp tác xã đã ngừng hoạt động đang chờ giải thể và số hợp tác xã dịch vụ điện sẽ bàn giao hết sang ngành điện quản lý thì số hợp tác xã công nghiệp-thương mại còn lại cần chuyển đổi, tổ chức lại là 1.385 hợp tác xã (chiếm 42,65%).

Chính vì vậy, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và yêu cầu Sở Công Thương các địa phương ưu tiên phân bổ các nguồn kinh phí từ Quyết định số 2261/QĐ-TTg và các chương trình mục tiêu do Bộ Công Thương quản lý để hỗ trợ phát triển các hợp tác xã.

Năm 2015, Bộ đã hỗ trợ hơn 20,4 tỷ đồng; trong đó, nguồn từ Quyết định số 2261/QĐ-TTg là hơn 2,6 tỷ đồng và lồng ghép từ chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại là hơn 17,7 tỷ đồng.

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, Bộ cũng đã hỗ trợ 12,12 tỷ đồng; trong đó, nguồn từ Quyết định số 2261/QĐ-TTg là hơn 1,7 tỷ đồng và lồng ghép từ chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại là hơn 10,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương, tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình hợp tác xã thương mại hoạt động hiệu quả.

Theo đó, hai bên đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan có liên quan thực hiện mô hình thí điểm giữa doanh nghiệp-liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã-nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định số 23/QĐ-TTg tại 12 tỉnh.

Từ kết quả thực hiện các mô hình thí điểm, Bộ Công Thương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các địa phương đã tổng kết, đánh giá, đề nghị và được Chính phủ chấp thuận cho tiếp tục thực hiện nhân rộng giai đoạn 2016-2020.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua việc tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã 2012 cũng như đường lối, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, công nghiệp, thương mại.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến công để hỗ trợ các hợp tác xã công nghiệp-thương mại phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục