Hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường Anh

12:03' - 08/06/2024
BNEWS Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận ở hội trường về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 8/6, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận ở hội trường về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo thẩm tra, đánh giá cao Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã làm việc với phía Anh để thương thảo, thống nhất một số nội dung quan trọng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích, Anh là thành viên của các cơ chế chính trị, an ninh ở tầm khu vực và toàn cầu, là một Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thành viên nhóm G7, có GDP đứng thứ 6 trên thế giới, nên việc đồng ý để Anh sớm gia nhập CPTPP sẽ tạo thêm cơ hội cho 11 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, Anh đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam nên sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quyết định của Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Năm 2020, Việt Nam và Anh đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, Việt Nam xuất siêu vào thị trường Anh.

Các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu ở thị trường Anh là hàng nông nghiệp, gạo, rau củ quả, thủy sản, dệt may, da giày; trong khi đó Việt Nam chủ yếu nhập máy móc thiết bị nên không là đối thủ cạnh tranh. Từ những phân tích trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, sớm thông qua việc phê chuẩn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong hợp tác với nước bạn.

 

Để phát huy hết những tiềm năng và mong đợi từ việc Anh gia nhập CPTPP, đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh khuyến nghị Chính phủ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ cần có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường, tăng năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa...

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng nhất trí với các tờ trình và báo cáo thuyết minh, báo cáo thẩm tra được trình bày tại phiên họp, đồng thời đánh giá cao việc sớm trình Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

“Nếu Quốc hội thông qua thì chúng ta sẽ nằm trong nhóm sớm nhất đồng ý với hiệp định này cho Vương quốc Anh gia nhập CPTPP”, đại biểu nhấn mạnh.

Trước ý kiến băn khoăn của nhiều đại biểu về việc thị trường các nước châu Âu, trong đó có Anh là những thị trường rất khó tính, tạo ra thử thách đối với các doanh nghiệp cũng như mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Thân cho hay, qua các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nhiều địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp có sự chuyển đổi về công nghệ rất nhanh sau khi có các hiệp định như EVFTA và CPTPP, từ đó góp phần làm tăng giá trị sản phẩm.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa nhằm tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp tiếp tục tận dụng thời cơ, lợi thế để chuyển đổi công nghệ.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) bày tỏ nhất trí cao với tờ trình của Chủ tịch nước, báo cáo thuyết minh của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đại biểu Mai Dung mong muốn trong năm 2024 Bộ Công Thương sẽ ban hành được Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) hàng năm của các địa phương, vừa là thước đo, vừa giúp địa phương có quy trình chuẩn để thực hiện, đồng thời từ góc độ khác cũng có sự giám sát và điều chỉnh tốt hơn trong tương lai.

Cũng trong phiên họp sáng, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp của người chưa thành niên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục