Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại

15:31' - 16/12/2022
BNEWS Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả nhiều vụ việc giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại.

Trong bối cảnh xung đột thương mại, xung đột địa chính trị giữa một số nước diễn biến phức tạp kéo theo xu thế bảo hộ thương mại tại nhiều nước tiếp tục duy trì, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Đây là nội dung được Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại, tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16/12.

Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, năm 2022 hoạt động thương mại quốc tế chịu nhiều tác động từ ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột thương mại, quân sự, kéo theo các chi phí nhiều loại hàng hóa đầu vào, chi phí vận tải tăng cao; nhiều quốc gia tiếp tục duy trì cách biện pháp cách ly, giãn cách xã hội gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Bối cảnh đó đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về phòng vệ thương mại, cụ thể một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; gia tăng các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động của một số ngành sản xuất trong nước có sự biến động dẫn đến việc cần xem xét khả năng sử dụng các biện pháp phòng vệ đối với hàng nhập khẩu.

Cụ thể, đối với hoạt động xuất khẩu, từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, các nước đã tiến hành 16 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả nhiều vụ việc giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc được hưởng mức thuế thấp góp phần duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada...

Điển hình như trong vụ Hoa Kỳ rà soát thuế chóng bán phá giá đối với cá tra-basa và tôm của Việt Nam với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế; Hoa Kỳ giảm thuế chóng bán phá giá với sản phẩm mật ong của Việt Nam; Mexico áp dụng thuế chóng bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm thép mạ của Việt Nam với mức thuế tương đối thấp; Philippines chấm dứt việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với xi măng nhập khẩu, chuyển sang áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm của Việt Nam với nhiều doanh nghiệp có mức thuế thấp.

Cục Phòng vệ thương mại cũng đang phối hợp với Hoa Kỳ trong các vụ điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép, pin năng lượng mặt trời, gỗ dán, tủ gỗ của Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đạt được kết quả tích cực nhất.

Đối với hoạt động nhập khẩu, năm 2022, j Bộ Công Thương không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới nhưng dựa trên kết quả điều tra theo quy định pháp luật các vụ việc trước đó đã quyết định áp dụng 3 biện pháp phòng vệ thương mại, ngừng áp dụng 2 biện pháp phòng vệ thương mại và tiến hành rà soát việc áp dụng 7 biện pháp phòng vệ thương mại.

“Việt Nam đã và đang tiếp tục phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng, nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội. Nhờ công cụ phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành kinh tế đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất như đường mía, phân bón, sắt thép, sợi...”, ông Chu Thắng Trung nhận định.

Theo Bộ Công Thương, các nền kinh tế xuất khẩu lớn càng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua (trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 20 trên thế giới).

Chính vì vậy, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005-2010 chỉ có 25 vụ  thì giai đoạn 2011-2015 tăng lên 52 vụ và giai đoạn 2016 -2021 lên đến 109 vụ.

Các quốc gia thường xuyên khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ; số vụ việc do EU khởi xướng có xu hướng giảm, tuy nhiên đây vẫn là khu vực quan tâm đặc biệt tới hoạt động phòng vệ thương mại, do đó doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý về truy xuất nguồn gốc, cạnh tranh về giá cả và đặc biệt phải thận trọng với hàng chuyển tải, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước thứ ba để giảm thiểu rủi ro không cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục