Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19

10:11' - 24/11/2021
BNEWS Dự án sẽ áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết những thách thức mang tính hệ thống và liên kết mà các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19” (dự án ISEE-COVID) vừa được khởi động nhằm tăng cường sức chống chịu và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19. Theo đó, dự án sẽ áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết những thách thức mang tính hệ thống và liên kết mà các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) phải đối mặt. Dự án sẽ giúp tăng cường năng lực của chính các SIB; nâng cao năng lực và sự phối hợp giữa các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB; tăng cường năng lực hoạch định chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các SIB phát triển.

Dự án có tổng kinh phí thực hiện 3,1 triệu CAD, chủ yếu do Bộ các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ và vốn đối ứng từ UNDP và Chính phủ Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, cũng như các quốc gia khác, khu vực doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong đầu tư, tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động. Hiện nay, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 66% GDP cả nước, 30% tổng việc làm trong nền kinh tế, 97% tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu.

Các doanh nghiệp hoạt động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không chỉ trong nước mà còn ra nhiều nước trong khu vực và thế giới. Đặc biệt, trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh doanh sáng tạo, kết hợp giữa kinh doanh thương mại với các mục tiêu tạo tác động tích cực đối với môi trường và xã hội, hay còn gọi là mô hình kinh doanh tạo tác động (Social Impact Business - SIB). Việc kết hợp cân bằng giữa mục tiêu xã hội, môi trường với mô hình thương mại cho phép các doanh nghiệp này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.

Dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19” ưu tiên hỗ trợ các SIB trong 4 ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, đó là: nông nghiệp bền vững, du lịch bền vững, giáo dục và y tế. Đây cũng là những lĩnh vực có lực lượng lao động nữ lớn và nhiều SIB cung cấp các giải pháp sáng tạo nhằm giảm tỷ lệ nghèo đói ở phụ nữ và trẻ em gái.

Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ 300 SIB tiếp cận vốn ban đầu và thị trường, từ đó tạo ra 9.000 việc làm tiềm năng cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương. 90 SIB sẽ được hưởng lợi từ việc tăng doanh thu và phát triển kế hoạch đối phó với đại dịch COVID-19 và các cú sốc trong tương lai. 105 SIB sẽ có kế hoạch kinh doanh lồng ghép giới, môi trường và biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ hỗ trợ xây dựng hoặc sửa đổi ít nhất 4 chính sách đáp ứng giới và thiết lập mạng lưới doanh nghiệp tạo tác động xã hội với ít nhất 100 thành viên. Mạng lưới sẽ hỗ trợ thí điểm hệ thống quản lý và đo lường tác động cho 5 - 10 SIB.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp tạo tác động, Giám đốc KymViet Phạm Việt Hoài cho biết, thời gian qua, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp luôn nhận được sự đồng hành, bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đại dịch COVID-19 đã tác động và gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp về tiếp cận nguồn vốn, nguyên liệu đầu vào… và bắt buộc doanh nghiệp phải có những thay đổi. Ông Phạm Việt Hoài hy vọng KimViet và các nhóm yếu thế khác sẽ được hưởng lợi từ dự án để mang lại giá trị hơn nữa.

Đại diện thường trú của UNDP, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao tính kịp thời của dự án trong việc hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và doanh nghiệp khắc phục những tác động kéo dài và gây thiệt hại của đại dịch COVID-19; đồng thời, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của khu vực tư nhân nói chung và các doanh nghiệp tạo tác động xã hội nói riêng, trong nỗ lực phục hồi và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Bà Caitlin Wiesen cho rằng, tầm nhìn phát triển chung, cam kết của Chính phủ trong việc tạo điều kiện đổi mới sáng tạo và sự đổi mới của các bên liên quan trong hệ sinh thái doanh nghiêp tạo tác động xã hội sẽ tăng cường khả năng phục hồi và thúc đẩy sự phát triển của các SIB tại Việt Nam. Đây sẽ là nền tảng cho nỗ lực không bỏ lại ai phía sau và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết thêm, trong công cuộc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, SIB là thành phần quan trọng, vừa đóng góp vào phát triển kinh tế, vừa tác động đến xã hội và môi trường thông qua tạo việc làm và cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho nhóm yếu thế trong xã hội. Việc hỗ trợ các SIB sẽ góp phần đảm bảo sinh kế, từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng tác động của mình và đóng góp hơn nữa vào phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hoạt động của SIB còn hạn chế do năng lực quản trị thấp, khó có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính cũng như thu hút và giữ chân người lao động có chất lượng; đối mặt với những rủi ro và thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi để theo kịp yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19;…

“Với sự nỗ lực vượt bậc và vì mục tiêu cuối cùng là những người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau, những chủ doanh nghiệp SIB đang gồng mình để vượt qua những khó khăn, thách thức để tiếp tục duy trì, tồn tại và phát triển”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục