Hỗ trợ kinh phí đầu tư cho nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc

11:09' - 27/10/2024
BNEWS Nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc đã được Liên minh châu Âu (EU) cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc EU.
Từ những kết quả đạt được trong thực hiện đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ phát triển chế biến nước mắm giai đoạn 2022 - 2024, Sở Công Thương Kiên Giang tiếp tục xây dựng đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển chế biến sản phẩm từ nông sản, thủy sản giai đoạn 2025 - 2027”.

Theo đó, hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn trong lĩnh vực chế biến sản phẩm từ nông sản, thủy sản như chế biến gạo chất lượng cao, chế biến khô và chế biến nước mắm ứng dụng máy móc thiết bị, tiên tiến vào sản xuất. Đề án cũng hỗ trợ đầu tư 13 phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho cơ sở có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến sản phẩm từ nông sản, thủy sản… Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án khoảng 9,91 tỷ đồng; trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 4,5 tỷ đồng, số còn lại là nguồn đối ứng của đơn vị thụ hưởng.

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh thực hiện đề án khuyến công quốc gia hỗ trợ đầu tư phát triển chế biến nước mắm trên địa bàn Phú Quốc, góp phần nâng chất lượng nghề truyền thống nước mắm ở đảo này.

Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang (Sở Công Thương) cho biết, tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 9,8 tỷ đồng; trong đó, khuyến công quốc gia hơn 3,3 tỷ đồng và kinh phí đối ứng của đơn vị thụ hưởng gần 6,5 tỷ. Theo đó, hỗ trợ cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất chế biến nước mắm tại đảo ngọc Phú Quốc như: sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến; xây dựng phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; đào tạo nâng cao năng lực quản lý…

Ông Trần Huy Quyền, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Đức 1, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc chia sẻ: “Tiếp cận chính sách khuyến công, doang nghiệp chúng tôi đăng ký được hỗ trợ 2 nội dung: ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất nước mắm và đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Qua đó, góp phần thay thế lao động thủ công, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và nước thải thải ra đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn của cơ quan chuyên môn quy định, giảm phát thải ô nhiễm môi trường tại địa phương.”

Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh nhấn mạnh, đề án tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy các cơ sở công nghiệp nông thôn chế biến nước mắm đổi mới máy móc thiết bị, mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm phát thải ô nhiễm môi trường; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao năng lực xuất khẩu; gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận cho cơ sở công nghiệp nông thôn… Đề án đã tác động và huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy và phát triển ngành chế biến nước mắm chủ lực, thế mạnh của thành phố Phú Quốc, góp phần giữ gìn giá trị truyền thống thương hiệu, quảng bá sản phẩm nước mắm Phú Quốc.

Bên cạnh đó, đề án khẳng định vai trò quan trọng trong việc khuyến khích thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế theo hướng tăng dần lao động công nghiệp và dịch vụ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tiến tới hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Cùng đó, đề án tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất chế biến nước mắm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, góp phần khuyến khích, hỗ trợ sản xuất sạch hơn tại các cơ sở chế biến nước mắm, giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người, góp phần bảo vệ môi trường theo hướng bền vững; phát triển ngành nghề sản xuất chế biến nước mắm kết hợp với du lịch sinh thái trên đảo ngọc.

Nghề sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc có lịch sử hơn 200 năm và đã được Liên minh châu Âu (EU) cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc EU.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hội Sản xuất nước mắm Phú Quốc chia sẻ, hội hiện có 51 hội viên, với 6.642 thùng ủ chượp, sản lượng sản xuất 15 - 20 triệu lít/năm. Thực hiện chương trình khuyến công nhằm hỗ trợ, tạo điều cho các doanh nghiệp chế biến nước mắm đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường sản xuất, đổi mới công nghệ, xây dựng phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, góp phần cho ngành chế biến nước mắm truyền thồng Phú Quốc phát triển bền vững. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Phú Quốc theo hướng xanh, sạch, hiện đại và phát triển nghề chế biến nước mắm kết hợp với du lịch sinh thái trên đảo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục