Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP

09:44' - 15/05/2022
BNEWS Tỉnh Trà Vinh đã ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh phát triển OCOP, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

UBND tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo Sở Công Thương cùng các ngành liên quan tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu để nâng cao chất lượng và phát triển mạnh thị trường cho sản phẩm OCOP.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng nội lực và gia tăng giá trị, tỉnh Trà Vinh có nhiều tiềm năng để phát triển với nhiều sản phẩm đặc sản, độc đáo thu hút được nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, số lượng sản phẩm OCOP đã có sự phát triển, nhưng về tính giá trị, hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng.

Những hạn chế, vướng mắc trong phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh Trà Vinh hiện đang tồn tại như: qui mô sản xuất nhỏ, việc ứng dụng khoa học nghệ tiên tiến còn hạn chế, mãu mã bao bì sản phẩm chưa thu hút người tiêu dùng, nhiều sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm đạt chất lượng nhưng không thực hiện và chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP... 

Đây là những nguyên nhân là cho giá trị sản phẩm OCOP đạt thấp, sản phẩm chưa vươn ra được các thị trường lớn trong nước và xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay tỉnh Trà Vinh có 80 sản phẩm của 49 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh được công nhận và phân hạng đạt chuẩn OCOP, gồm: 5 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao 9 sản phẩm đạt 4 sao, 66 sản phẩm đạt 3 sao.

Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 83 nhãn hiệu sản phẩm độc quyền, 19 nhãn hiệu sản phẩm tập thể, 4 nhãn hiệu sáng chế và giải pháp hữu ích, 2 kiểu dáng công nghiệp quốc tế và 1 nhãn hiệu quốc tế.

Theo ông Phạm Văn Tám, tỉnh hiện đã ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh phát triển  sản phẩm OCOP, nhằm  góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Các chủ thể sản xuất sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP ngoài được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết số 11/NQ – HĐND ngày 08/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh, còn được UBND tỉnh hỗ trợ thêm về hoạt động xúc tiến thương mại.

Cụ thể, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất sản phẩm OCOP nếu được tỉnh chọn tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, được tỉnh hỗ trợ 50 % chi phí thuê gian hàng, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/năm; nếu tham gia hội chợ, triển lãm trong nước được tỉnh hỗ trợ 50 % chi phí thuê gian hàng và phí vận chuyển, nhưng không quá 40 triệu đồng/năm; tỉnh hỗ trợ 50 % chi phí xây dựng Website, đăng ký sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến các mặt hàng thịt, cá, rau ,củ, quả, thức ăn chăn nuôi  được tỉnh hỗ trợ 70% vé máy bay khứ hồi khi đi khảo sát, tìm kiếm phát triển thị trường ở nước ngoài; hỗ trợ 50 % chi phí xây dựng điểm bán hàng với tên gọi "Tự hào hàng Việt", mức hỗ trợ tối đa không quá 80 triệu đồng/điểm và ở mỗi huyện được hỗ trợ 01 điểm, thành phố, thị xã không quá 2 điểm bán hàng.

Hiện tại, Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh đang tăng cương hỗ trợ các hoạt động hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP như: xây dựng, quản lý logo nhận diện; hỗ trợ đầu tư ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng quy trình đóng gói; đăng kí nhãn hiệu, áp dụng và công bố các tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ xúc tiến thương mại... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục