Hòa Bình lý giải nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm

18:00' - 12/11/2020
BNEWS Các đại biểu đã nên lên nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, gói thầu mua sắm thiết bị, nhất là mua sắm thiết bị từ nước ngoài chưa thể thực hiện.
Cầu Hòa Bình 3 được xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 2/2020. Ảnh: TTXVN
Ngày 12/11, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, bàn các giải pháp thực hiện những tháng cuối năm 2020.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh nhấn mạnh, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020. Vì vậy các sở, ban ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các chủ đầu tư cần tập trung rà soát các dự án, khẩn trương chỉ đạo thực hiện các biện pháp giải ngân kế hoạch vốn giao.

Đặc biệt là đối với các dự án đến nay có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 30% hoặc chưa giải ngân, hoàn thiện hồ sơ thanh toán đối với các dự án đã có khối lượng hoàn thành. Đồng thời, tăng cường quan tâm, đôn đốc đẩy mạnh tiến độ các dự án, tăng tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn của các dự án sử dụng nguốn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia; vốn nước ngoài ODA, vốn dự phòng chung ngân sách Trung ương đảm bảo đến ngày 31/12/2020 giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, năm 2020, kế hoạch đầu tư vốn giải ngân của tỉnh được Chính phủ giao gần 4.422 tỷ đồng. Số kế hoạch vốn đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua trong kế hoạch đầu tư công gần 4.299 tỷ đồng. Tính đến ngày 6/11/2020, số kế hoạch vốn đã giải ngân trên địa bàn tỉnh là 2.187 tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch vốn Hội đồng Nhân dân tỉnh giao và đạt 49,5% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong số đó, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh đã giải ngân được là trên 1.153 tỷ đồng đạt 57,7% kế hoạch vốn của Hội đồng Nhân dân tỉnh giao. Vốn ngân sách trung ương đã giải ngân 953,8 tỷ đồng, đạt 48,9% kế hoạch vốn năm 2020 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và Thủ tướng giao. Vốn nước ngoài ODA giải ngân đạt 15% kế hoạch vốn giao. Vốn bổ sung kế hoạch năm 2020 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 giải ngân 80,4 tỷ đồng đạt 23% kế hoạch vốn giao.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm cho biết, đến thời điểm này, còn một số dự án không thể thực hiện, giải ngân do vướng mắc về thủ tục thanh toán. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các chủ đầu tư rà soát, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn trả số vốn 321,6 tỷ đồng vốn nước ngoài về ngân sách Trung ương.

Cùng đó, nhiều ý kiến của các đại biểu đã nên lên nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, gói thầu mua sắm thiết bị, nhất là mua sắm thiết bị từ nước ngoài chưa thể thực hiện (như dự án Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản và trung tâm y tế dự phòng tỉnh).

Bên cạnh đó, một số nguồn vốn mới được giao bổ sung từ tháng 6, 7/2020 nên khối lượng thực hiện, giải ngân còn thấp, đặc biệt là các dự án khởi công mới, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn được giao (dự án Kè chống sạt lở, chỉnh trị dòng chảy, nạo vét gia cố bờ sông Bùi đoạn Thị trấn Lương Sơn; dự án Khôi phục, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng...).

Đối với nguồn vốn ngân sách tỉnh, nguồn thu từ xổ số kiến thiết, thu từ sử dụng đất chưa đảm bảo theo kế hoạch được duyệt… Về cơ chế chính sách, việc thực hiện Nghị định số 68/2009 ngày 14/8/2019 dẫn tới các thủ tục chuẩn bị đầu tư, đầu tư dự án mới và điều chỉnh dự án đầu tư còn gặp vướng mắc và mất nhiều thời gian do có các quy định mới về việc thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, sử dụng chi phí dự phòng của dự án.

Đối với vốn ODA, do áp dụng quy định mới của Chính phủ nên quy trình điều chỉnh chủ trương, gia hạn thời gian giải ngân của Hiệp định vay của một số dự án mất nhiều thời gian./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục