Hòa Bình tháo gỡ khó khăn cho người trồng mía

17:15' - 13/03/2016
BNEWS Vụ sản xuất Đông Xuân 2015-2016, tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích mía 9.057 ha; trong đó, mía nguyên liệu là 1.669 ha, mía tím 4.095 ha và mía trắng dùng để ép nước là 3.743 ha.
Hòa Bình tháo gỡ khó khăn cho nông dân trồng mía. Ảnh minh họa: Huỳnh Sử/TTXVN

Hiện việc tiêu thụ mía của các huyện, thành phố gặp nhiều khó khăn. Đối với mía tím, hai năm nay, giá liên tục sụt giảm chỉ còn khoảng 2.000-3.500 đồng/cây, tập trung ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Cao Phong, Lạc Sơn. Mía đã thu hoạch mới đạt 70% diện tích. 

Riêng mía nguyên liệu cung cấp cho Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình cũng đang gặp trở ngại về khâu tiêu thụ. Hiện Công ty mía đường công suất 2.000 tấn/ngày, thu mua mía bình quân 950 đồng/kg, nhưng diện tích mía chưa thu còn khoảng 1.000 ha.

Nguyên nhân là do dây chuyền sản xuất nhà máy di chuyển từ thành phố Hòa Bình về huyện Lạc Sơn khiến người trồng mía vùng cận thành phố lao đao. 

Huyện vùng cao Đà Bắc có gần 300 ha mía nguyên liệu, tập trung ở các xã Hào Lý, Cao Sơn, Hiều Lương, Toàn Sơn... Đến nay, lượng mía được công ty th u mua không đáng kể. Mía bạt ngàn trổ cờ, khô nỏ , thoái hóa và trữ đường chắc chắn sẽ giảm . 

Phó Chủ tịch UBND xã Hào Lý Quách Công Khang cho biết, địa phương có 425 hộ dân, có 80% trồng mía nguyên liệu. Vụ mía 2015 - 2016, xã trồng 70 ha, tập trung ở hầu hết các xóm, nhiều nhất là Suối Thương với 27 ha . Cây mía nguyên liệu từng rất quan trọng đối với cuộc sống người dân Hào Lý.

Sau mỗi vụ ép, mía đem về cho nông dân trong xã hàng tỷ đồng. Hàng năm, mía được mua trước tết. Năm nay, nhà máy di chuyển về Lạc Sơn việc thu mua gặp khăn. Xã đã kiến nghị, công ty mía đường cũng đã hỗ trợ trung bình 1 triệu đồng/hộ để người dân ăn tết. Song cũng không thấm tháp gì. Đến nay, công ty mía đường mới thu mua được vài xe ở xóm suối Thương.

Nếu tháng 4 này, mới bán được mía, thì cũng đã qua khung thời vụ nhiều loại cây trồng; không thể trồng ngô và các cây màu khác. Cuộc sống người dân Hào Lý chủ yếu trông vào nông nghiệp sẽ rất khó khăn. Hiện thu nhập bình quân của xã mới đạt 14 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn rất cao ở mức 41%. Nếu mía không được thu mua thì rất nhiều hộ nông dân lâm vào tình trạng cơ cực. 

Theo ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, nguyên nhân chính khiến cây mía của tỉnh bị mất giá là do diện tích trồng mới không bảo đảm quy hoạch, chất lượng mía suy giảm, thị trường không ổn định. Công tác tuyên truyền quảng bá ít được chú trọng; chưa có mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ. 

Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong việc tiêu thụ mía, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Văn Quang đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương cần nâng cao trách nhiệm, cấp bách triển khai những giải pháp tiêu thụ mía, giảm bớt thiệt hại cho người nông dân. Đối với Công ty cổ phần Mía đường Hòa Bình cần đẩy nhanh tiến độ thu mía nguyên liệu cho người dân theo đúng hợp đồng đã ký kết, công khai và thực hiện kế hoạch thu mía, bảo đảm lợi ích cho người nông dân. 

Tỉnh Hòa Bình khẳng định cây mía vẫn là cây trồng có giá trị hơn nhiều loại cây trồng và đem lại hiệu quả. UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các ngành chức năng điều chỉnh và quản lý tốt quy hoạch cây mía trên địa bàn; tiếp tục thực hiện giải pháp thay thế toàn bộ giống cây mía tím bằng giống có chất lượng. Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đặc biệt chú trọng việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đề xuất cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục