Hòa giải thương mại nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp

07:29' - 22/01/2018
BNEWS Phương thức giải quyết hòa giải cho các tranh chấp thương mại mà Việt Nam đang tiến hành cũng được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Theo Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế đã và đang tạo ra nhiều cơ hội, thúc đẩy kinh doanh, thương mại phát triển.

Hòa giải thương mại nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, cùng với nhiều cơ hội cũng ấn chứa những rủi ro và khó tránh khỏi phát sinh tranh chấp. Các tranh chấp về kinh tế, thương mại phát sinh với số lượng ngày càng nhiều đang đặt ra yêu cầu phải có cơ chế giải quyết tranh chấp một cách linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam.

Đó chính là hành lang pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp khi tham gia quan hệ hợp đồng cũng như tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và ổn định.

Chính vì lẽ đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định về hòa giải thương mại; trong đó nhấn mạnh tới việc khuyến khích giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ thông qua quyết định công nhận việc giải quyết đó.

Các quy định của pháp luật về hòa giải thương mại thực sự đóng vai trò quan trọng, khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng hòa giải; nâng cao hiệu quả của việc sử dụng hòa giải, đặc biệt là lựa chọn phương thức hòa giải...

Ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch VIAC cho biết, năm 2017 đã có 19 vụ tranh chấp thương mại được giải quyết bằng hòa giải. Kết quả công nhận hòa giải thành giữa các bên của Hội đồng trọng tài được đánh giá cao và các bên tranh chấp đều tự nguyện thi hành kết quả hòa giải.

Phương thức giải quyết hòa giải cho các tranh chấp thương mại mà Việt Nam đang tiến hành cũng được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nỗ lực hoàn thiện và đổi mới bởi tiến trình hòa giải tranh chấp thương mại của các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của các trọng tài viên đủ năng lực chuyên môn, trình độ và kinh nghiệm cũng như được cọ xát từ thực tiễn.

Việt Nam mới bước vào tiến trình này nên cần có sự đầu tư để xây dựng và hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải một cách có hệ thống, đảm bảo chất lượng và uy tín.

Ông Nguyễn Đình Tiến, đại diện Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trước đây công tác hòa giải cũng được thực hiện trong hệ thống Tòa án khi giải quyết các tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, phương thức tiến hành còn rất đơn giản, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm của thẩm phán.

Nhiều trường hợp, thẩm phán phải về tận địa phương để tiến hành hoà giải tranh chấp cho các doanh nghiệp. Tại Tòa án kinh tế, chủ trương là khuyến khích và động viên các bên tự thương lượng hoà giải để giải quyết mâu thuẫn.

Thậm chí, ngay cả sau khi có bản án sơ thẩm, các bên tranh chấp tiếp tục được động viên để hoà giải những mâu thuẫn còn lại nếu có thể nhằm đạt được kết quả hoà giải thành tại phiên phúc thẩm...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các thủ tục tiến hành hòa giải còn gây phát sinh nhiều chi phí, lãng phí thời gian của doanh nghiệp, nhiều thủ tục còn rườm rà, thời gian chờ đợi lâu..., ông Tiến nhấn mạnh.

Đây là vấn đề cần được Bộ Tư pháp, các đơn vị xây dựng và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật nghiên cứu kỹ lưỡng, khắc phục những bất cập còn tồn tại, nhất là những nội dung liên quan tới việc tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Có như vậy, phương thức hòa giải thương mại mới thực sự mang lại ý nghĩa và phát huy hiệu quả trong giải quyết các sự vụ tranh chấp của nhiều doanh nghiệp hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục