Hòa nhập làn sóng xanh thương mại

09:30' - 11/02/2024
BNEWS Tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn không còn là chủ đề mới mà đang dần hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư.

Để hòa nhập cùng làn sóng này, nhiều doanh nghiệp đã chuyển mình xúc tiến chuyển đổi xanh trong sản xuất, xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.

 
Là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ trung hòa carbon, ông Lê Hoàng Minh – Giám đốc điều hành sản xuất Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: Công ty đặt mục tiêu giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2027, cắt giảm và trung hòa 55% lượng phát thải vào năm 2035 và đạt 0% - Net Zero vào năm 2050.

Tương tự, trước xu hướng tiêu dùng hiện nay của thế giới là dùng sản phẩm an toàn và thân thiện mới thiên nhiên, Công ty Tân Quang Minh (Bidrico), chuyên sản xuất các loại nước uống đóng chai dự kiến trong năm 2024 sẽ phát triển sản phẩm mới có nguồn gốc tự nhiên. Đồng thời, chuyển sang sử dụng nguyên liệu trong nước để có nguồn cung ổn định.

Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, chuẩn bị cho năm 2024, doanh nghiệp đang chuyển đổi công nghệ mới và thay đổi từng ngày nhằm hướng tới tiêu chuẩn doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh theo tiêu chuẩn EU.

Cụ thể, Việt Thắng Jean đẩy mạnh hoàn thiện dây chuyền sản xuất mới để nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi; chuyển đổi sản xuất xanh và đầu tư công nghệ để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. 

Đặc biệt, công ty sử dụng công nghệ 3D để thiết kế, rút ngắn 1/4 thời gian so với trước, dùng laser để in, cắt, phun màu cho vải... Nhờ vậy, công suất tăng gấp 3 lần so với trước. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn Eco, sản xuất theo tiêu chuẩn xanh của châu Âu.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đã áp dụng mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn dao động từ 36 - 48,6%. Một vài khảo sát khác cũng chỉ rõ, ở vài nhóm ngành có hơn 87% doanh nghiệp có giải pháp tối ưu đầu vào, 55,6% doanh nghiệp có giải pháp tái tạo hệ sinh thái và giảm ô nhiễm môi trường, 70,3% có giải pháp kéo dài vòng đời sản phẩm.

Nhận định từ các chuyên gia, hiện nay nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như: Chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình. 

Chẳng hạn như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); chiến lược từ trang trại đến bàn ăn; kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn hay chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

Tại Việt Nam, phát triển xanh, bền vững được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành yêu cầu phổ biến trên mọi phân khúc, mọi thị trường. 

Đáng lưu ý, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới như thị trường châu Âu. Điều này được khẳng định chính là một giải pháp nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn.

Theo ông Vũ Bá Phú, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng nêu trên có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đồng tình với quan điểm này, giới phân tích chỉ ra rằng, xuất khẩu xanh với Việt Nam gồm cả cơ hội và thách thức. Đó là xuất khẩu xanh mang lại lợi nhuận biên cao hơn cho sản phẩm. Những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn xanh, chứng chỉ carbon có giá bán cao hơn rất nhiều lần so với sản phẩm thông thường.

Ngoài ra, để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực để tạo ra được sản phẩm xanh. Khi đó, doanh nghiệp một mặt không phải nộp thuế carbon, sản phẩm lại có lợi thế cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại của nước khác chưa đáp ứng tiêu chuẩn này.

Hơn nữa, trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, kinh doanh có điều kiện đối với các tập đoàn kinh tế lớn, đa quốc gia có chuỗi cung ứng dài và rộng khắp thế giới, chi phí chuyển đổi là rất lớn, thời gian chuyển đổi sẽ lâu hơn. Trong khi với Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô nhỏ và vừa, việc chuyển đổi hệ thống kiểm soát nội bộ sẽ nhanh hơn, tốn ít chi phí hơn.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2024, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới. Đặc biệt, chú trọng chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục