Hòa Phát đặt mục tiêu đạt lợi nhuận tăng 19% năm 2020

17:11' - 25/06/2020
BNEWS Sáng 25/6, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020.

Cổ đông HPG đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với doanh thu toàn tập đoàn đạt 86.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 9.000 tỷ đồng. Kế hoạch này tăng lần lượt 35% và 19% so với thực hiện năm trước đó. Dự kiến, HPG chia cổ tức tỷ lệ 20%; trong đó, phấn đấu có chia cổ tức bằng tiền mặt.

*Lợi nhuận quý II tăng gần 30%

Năm 2019, Hòa Phát ghi nhận có tổng doanh thu hợp nhất 63.658 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 12% xuống còn 7.578 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 7.527 tỷ đồng. Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019; trong đó, chia cổ tức tổng tỷ lệ 25% gồm 5% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Thời gian thực hiện trong quý II và quý III/2020.

Chia sẻ tại đại hội, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG cho biết, trong quý II/2020, Hòa Phát đạt lợi nhuận sau thuế gần 2.700 tỷ đồng (cao hơn gần 32% cùng kỳ năm trước và là quý có lợi nhuận cao nhất lịch sử của Hoà Phát). Lũy kế nửa dầu năm nay, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, tăng 29,5% cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lợi nhuận của mảng nông nghiệp trong quý II tương đương quý I, chiếm khoảng từ 10-12% tổng lợi nhuận. Trước đó, quý I/2020, Hoà Phát lãi hơn 480 tỷ đồng từ mảng nông nghiệp.

Trước câu hỏi của cổ đông, vì sao dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, ngành hàng mà Hòa Phát vẫn đạt kết quả tương đối khả quan, ông Long lý giải, ngành thép có bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng như những ngành khác.

"May mắn vì hiện nay Chính phủ ủng hộ đẩy mạnh đầu tư công. Đầu tư công có nhiều mảng liên quan tới xây dựng, sử dụng nhiều vật liệu xây dựng, sắt thép", ông Long nói.

Liên quan tới vấn đề chia cổ tức, tại đại hội một số cổ đông cho rằng, Tập đoàn Hòa Phát không nên chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2020 để lấy tiền trả lãi vay và đầu tư tiếp.

Về vấn đề này, ông Long nhấn mạnh: "Việc không chia cổ tức tiền mặt quá tốt nhưng phải hài hoà các yếu tố. 4 năm chúng ta chưa chia cổ tức bằng tiền mặt nên năm nay Hoà Phát quyết định chia một phần cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông".

*Sản lượng thép xây dựng đạt kế hoạch

Tại đại hội, nhiều ý kiến cổ đông bày tỏ lo ngại tới vấn đề sản lượng thép xây dựng năm nay không đạt kế hoạch như mục tiêu đề ra.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Công ty cho biết, 5 tháng đầu năm nay, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Hoà Phát đạt từ 1,2-1,3 triệu tấn, tháng 6 bán được hơn 300 nghìn tấn. Trong khi đó, công ty đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ khoảng 3,6 triệu tấn thép xây dựng trong năm 2020.

"Có lẽ sản lượng cả năm không đạt nhưng cổ đông không nên lo lắng. Bởi dịch COVID-19 thực sự có gây ảnh hưởng, vì những người mua thép thu nhập đã giảm đi", ông Dương nói.

Ông Dương chia sẻ thêm, về góc độ thị phần, thị phần miền Bắc dao động quanh mức 30-35%. Miền Bắc có nhiều công ty thép lâu đời nên thị phần không tăng trưởng được. Hòa Phát duy trì thị phần miền Bắc và tăng trưởng thị phần miền Nam. Trong 5 tháng đầu năm, thị phần miền Nam tăng gấp đôi năm ngoái.

Đối với sản lượng thép xây dựng không đạt 3,6 triệu tấn trong năm 2020, ông Long cho biết, dù không đạt kế hoạch tuy nhiên sản lượng thép xây dựng cả năm không dưới 3 triệu tấn.

Tại đại hội, một số ý kiến cổ đông thắc mắc về giá cổ phiếu Hoà Phát bị lỗ, cụ thể 3 năm trước mua cổ phiếu Hòa Phát với giá 50.000 đồng/cổ phiếu nhưng nay chỉ còn 27.000 đồng cổ phiếu.

Ông Dương đánh giá, giá cổ phiếu có lên có xuống, cổ đông mua cổ phiếu cách đây 3 năm với giá 50.000 đồng/cổ phiếu. Sau 3 lần chia hiện một cổ phiếu đã thành hơn 2 cổ phiếu mới. Giá cổ phiếu HPG hiện dao động quanh mức 27.000 đồng/cổ phiếu thì cổ đông không lỗ.

Ngoài các vấn đề về sản xuất, kinh doanh, giá cổ phiếu, nhiều cổ đông bày tỏ quan tâm tới câu chuyện đảm bảo môi trường xung quanh các dự án đầu tư của Hòa Phát, đặc biệt là tại dự án khu liên hợp gang thép Dung Quất.

Ông Long nêu rõ, hai ngành chủ lực của Hoà Phát là lĩnh vực sản xuất thép và nông nghiệp “nhạy cảm với môi trường”. Trường hợp ở Dung Quất rất phức tạp, quanh khu vực có 500 ha thì xung quanh còn 150 ha có dân ở bị ảnh hưởng. Hoà Phát đã xin ứng tiền để UBND tỉnh xây khu tái định cư để dân có thể di dời sớm nhất có thể.

Lãnh đạo tập đoàn thông cảm và chia sẻ với người dân ở khu vực đó. Hoà Phát làm tất cả những gì có thể tốt nhất để ứng trước tiền tái định cư, thậm chí ứng trước tiền thuê nhà, UBND tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận điều đó.

Lãnh đạo HPG nhấn mạnh: "Đầu tư thích đáng về mặt kinh phí nhân lực vật lực tài lực cho mảng môi trường, chúng ta không bảo thủ, nếu phát sinh vấn đề gì chịu khó lắng nghe, áp dụng thành tựu mới nhất khắc phục vấn đề phát sinh"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục