Hoạt động kinh tế đêm tại Anh đối mặt nhiều thách thức

07:13' - 01/04/2024
BNEWS Các câu lạc bộ và địa điểm âm nhạc nước Anh đang phải đối mặt tình trạng doanh thu sụt giảm khi giới trẻ từ bỏ thú vui đi chơi xa, cắt giảm rượu và chi tiêu có chọn lọc hơn, đặc biệt là trong tuần.

Các doanh nghiệp kinh doanh ban đêm đã đối phó bằng cách cung cấp các sự kiện ban ngày, đa dạng hóa sang “xã hội hóa cạnh tranh”, hoặc đơn giản là đóng cửa.

Số lượng cơ sở được cấp phép bán rượu ở Anh có xu hướng giảm trong hơn một thập kỷ. Theo dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS), các câu lạc bộ đêm bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề khi đã giảm gần 1/3 kể từ năm 2010. Nhiều vụ đóng cửa đã xảy ra ở những khu vực có đông sinh viên.

Vào tháng 2/2024, Rekom, nhà điều hành hộp đêm lớn nhất nước Anh, đã phải đóng cửa 17 địa điểm. Công ty điều hành các chuỗi cửa hàng nổi tiếng như Pryzm và Atik cho biết hoạt động kinh doanh đã chậm lại kể từ đầu năm 2023, đặc biệt là thời điểm giữa tuần khi sinh viên có xu hướng chuyển sang đá bóng.

Theo nhà cung cấp dữ liệu MRI Software, lưu lượng khách hàng đến các cơ sở được cấp phép các ngày trong tuần vẫn thấp hơn 15% so với mức trước COVID-19, ngay cả khi doanh thu cuối tuần đã phục hồi mạnh mẽ hơn nhiều sau ảnh hưởng của đại dịch.

Giám đốc điều hành (CEO) Rekom, ông Peter Marks cho biết, sinh viên chưa tốt nghiệp giờ đây có xu hướng đến muộn hơn và mua ít đồ uống hơn. Phí vào cửa, vốn rất quan trọng đối với những địa điểm có chi phí cao, cũng là điểm vướng mắc đối với những người trẻ tuổi vì chi phí sinh hoạt.

 

Trong khi Rekom vẫn còn vài chục cơ sở được cấp phép, 17 cơ sở đóng cửa phần lớn tập trung ở các thành phố có hàng chục nghìn sinh viên, chẳng hạn như Nottingham và Coventry. Ông Marks cho biết, Rekom sẽ chuyển trọng tâm sang “quán bar tiệc tùng”, nơi có thể thu hút khách quen sớm hơn trong ngày và ít phụ thuộc hơn vào sinh viên.

Ông Scott Corfe, Giám đốc dữ liệu và mô hình hóa tại công ty tư vấn Public First, cho biết việc đi chơi vào giữa tuần được coi là tùy ý hơn so với thứ Sáu hoặc thứ Bảy, vốn có thể coi là cần thiết hơn.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng những thay đổi lớn hơn trong thói quen của người tiêu dùng còn quan trọng hơn áp lực chi phí sinh hoạt gần đây, dẫn đến việc giới trẻ giảm tiêu thụ rượu. Giới trẻ không chỉ tập trung ở quán rượu và quán bar nữa mà chuyển sang các quán ăn khuya hoặc quán hút shisha.

Một hãng quản lý hộp đêm đã tăng doanh thu bất chấp sự suy thoái của ngành là Broadwick Group. Công ty điều hành các địa điểm như Depot Mayfield thường xuyên cháy vé ở Manchester và Printworks ở phía Đông London.

Các địa điểm của công ty chủ yếu phục vụ các sự kiện ban ngày vào cuối tuần và tổ chức quay phim, ra mắt sản phẩm và các sự kiện khác trong tuần.

CEO Simon Tracey cho biết mặc dù Broadwick đang phải vật lộn với vấn đề chi phí hoạt động cao hơn, bao gồm cả lương nhân viên, nhưng việc tổ chức các sự kiện ban ngày quy mô lớn mà khách hàng coi là những dịp đặc biệt đã bù đắp cho điều này.

Ông Michael Kill, người đứng đầu cơ quan thương mại Hiệp hội Các ngành nghề kinh doanh ban đêm (NTIA), cho biết không gian văn hóa đang bị mất dần. Người tiêu dùng Anh chọn những đêm đi chơi “chỉ một lần” đắt tiền hơn và các buổi biểu diễn ở sân khấu lớn, thay vì thường xuyên lui tới các địa điểm địa phương.

Ông nói thêm: “Các địa điểm có khả năng thích ứng và có thể tổ chức sự kiện âm nhạc trực tiếp, điện tử, trở thành trung tâm hội nghị, studio chụp ảnh - đó là những địa điểm đang tồn tại vì họ sử dụng nhiều giờ hơn trong ngày”.

Một hình thức thích ứng khác là chuyển sang “xã hội hóa mang tính cạnh tranh” - các hoạt động từ bowling và golf mini đến chơi ván trượt và ném rìu - đã thu hút những khách hàng trẻ tuổi thức khuya. Ông cho hay hình thức này có xu hướng xoay quanh các gói chi tiêu đã bao gồm đồ ăn và đồ uống. Mặc dù khách hàng có ít tiền hơn nhưng họ rất tập trung vào việc tối ưu hóa khoản chi tiêu của mình.

Trong số những địa điểm chịu áp lực kinh tế là các cơ sở tổ chức nhạc sống có sức chứa nhỏ hơn. Theo tổ chức từ thiện Music Venue Trust (MVT), các địa điểm độc lập đã đóng cửa với tỷ lệ hai tuần một lần và gần 40% địa điểm bị lỗ vào năm 2023. Ông Mark Davyd, người sáng lập MVT cho biết: “Số người đến dự năm nay tăng khoảng 8%. Nhưng điều đó không đủ để cân nhắc các chi phí bổ sung”.

MVT muốn có một khoản thuế mới đối với các buổi biểu diễn ở sân vận động lớn để gây quỹ cho các địa điểm nhỏ hơn. Rekom và NTIA cũng nằm trong số các nhóm đã kêu gọi cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt không đưa ra kế hoạch nào trong ngân sách của mình vào tháng 3/2024 mà chỉ hoãn việc tăng thuế rượu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục