Hoài Nhơn tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới

16:59' - 31/05/2019
BNEWS Không ít người dân và hầu hết cán bộ, nhân viên nhà nước tại huyện Hoài Nhơn có thể kể rất rõ những mặt tích cực nhất của mỗi xã, thị trấn đã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Xã Hoài Mỹ đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn, Phạm Trương nói: “Từ sau phong trào đấu tranh giành độc lập, tới nay mới có một phong trào mà toàn dân, toàn Đảng đồng lòng để hoàn thành một mục tiêu chung trong một khoảng thời gian nhất định. Phong trào xây dựng nông thôn mới từ thực tiễn đã đưa ra cho Đảng bộ, chính quyền huyện Hoài Nhơn nhiều bài học quý giá”.

* Đồng lòng tạo đột phá

Không ít người dân và hầu hết cán bộ, nhân viên nhà nước tại huyện Hoài Nhơn có thể kể rất rõ những mặt tích cực nhất của mỗi xã, thị trấn đã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, xã có hạ tầng khang trang, sạch đẹp nhất là Hoài Châu Bắc; đột phá mạnh mẽ nhất là Hoài Phú; thu nhập cao nhất là Tam Quan Bắc…

Tam Quan Bắc là xã vùng biển, theo khảo sát mới đây, khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan Bắc chính là khu tàu thuyền tấp nập nhất châu Á.

Khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan Bắc rộng 114ha nhưng có tổng số tàu thuyền hơn 2.500 chiếc; trong đó có 2.200 tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Tổng sản lượng hải sản đánh bắt được đưa về khu neo đậu này từ 40.000 – 50.000 tấn/năm, cũng là sản lượng lớn hàng đầu châu Á đối với một khu neo đậu hay một cảng cá.

Kinh tế biển là thế mạnh nhất của xã Tam Quan Bắc, một trong những xã tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Hoài Nhơn.

Xã hiện có 282 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 1.059 tàu cá đánh bắt xa bờ, với tổng công suất 488.000 CV. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân xã Tam Quan Bắc đã đạt đến 63,4 triệu đồng/người/năm.

Theo Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc Trương Quang Minh, năm 2014, xã Tam Quan Bắc được UBND tỉnh Bình Định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, đến nay đã tăng hơn gấp đôi.

Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc cho biết, với sự đầu tư đồng bộ, với những chính sách phát triển phù hợp cùng với sự đồng lòng của người dân, Đảng bộ và chính quyền xã, các chỉ số phát triển kinh tế cũng tăng vượt bậc.

Chẳng hạn, năm 2014, giá trị sản phẩm xã hội toàn xã đạt 1.783 tỉ đồng, hiện nay tăng trên 4.500 tỉ đồng/năm. Theo đó, các chỉ số khác về đời sống, xã hội, an sinh cho người dân cũng tăng rất cao so với trước đây.

Hệ thống kênh mương được xây dựng mới tại xã Hoài Mỹ. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Bộ mặt của xã đã khác, đời sống người dân đã hoàn toàn khác so với trước. Dự kiến vào cuối năm 2019, Tam Quan Bắc sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Cuối năm 2018, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận 5 xã cuối cùng của huyện Hoài Nhơn là Hoài Mỹ, Hoài Xuân, Hoài Phú, Hoài Hải, Hoài Đức đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong đó, có 4 xã được UBND tỉnh Bình Định trao thưởng 1,5 tỉ đồng/xã. Riêng xã Hoài Phú được tặng thưởng 5 tỉ đồng vì thành tích vượt bậc, về đích nông thôn mới sớm hơn dự kiến.

Xã Hoài Phú cách trung tâm huyện Hoài Nhơn khoảng 15 km về phía Bắc, là một xã thuần nông, cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới xã chỉ mới đạt 4/19 tiêu chí.

Với phương châm xây dựng nông thôn mới vừa là mục tiêu vừa là động lực, mà chủ thể của việc xây dựng nông thôn mới đó là nhân dân, từ đó đã nhận được sự ủng hộ tích cực của đông đảo người dân.

Kết quả sau 8 năm, xã Hoài Phú đã đạt được những kết quả hết sức nổi bật, kinh tế không ngừng tăng trưởng, đời sống nhân dân được tăng lên, cơ cấu lao động được chuyển dịch một cách mạnh mẽ, theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - dịch vụ và giảm tỉ trọng nông nghiệp. Đến cuối năm 2018, 19/19 tiêu chí đều đạt và vượt so với tiêu chuẩn.

Chủ tịch UBND xã Hoài Phú Phùng Thanh Ngọc nói: “Quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng qua làm thí điểm thì nhân dân xã đã tình nguyện hiến đất, hiến vườn cây ăn quả để làm đường; đóng góp ngày công lao động, sức người, sức của xây dựng làng quê sạch đẹp, khang trang. Toàn xã nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đã đạt được con số 35 triệu đồng/người/năm”.

* Những bài học từ thực tiễn

Xã Hoài Xuân tổ chức đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương cho biết: Toàn huyện Hoài Nhơn có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Riêng 2 thị trấn Tam Quan và Bồng Sơn đang phấn đấu giữ vững danh hiệu “đô thị văn minh”. Phấn đấu vào cuối năm 2019, Hoài Nhơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Định.

“Điều đặc biệt là toàn bộ 15 xã của huyện đều không nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới” – ông Cao Thanh Thương nhấn mạnh.

Qua thực tế phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Hoài Nhơn là điển hình tiêu biểu nhất của tỉnh Bình Định.

Huyện đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội để xây dựng mục tiêu chung. Từ 2016 – 2018, tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện là 86,32 tỉ đồng.

Ngoài ra, hằng năm Trung ương, tỉnh, huyện, xã phân bổ các nguồn vốn lồng ghép khác để xây dựng nông thôn mới như kinh phí hỗ trợ xây dựng bê tông giao thông trên 18 tỉ đồng/năm; hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương trên 391 tỉ đồng/năm; bù đắp thủy lợi phí trên 10 tỉ đồng/năm…

Cũng trong giai đoạn này, người dân toàn huyện đóng góp gần 34 tỉ đồng, hiến 108.000m2 đất, gần 3.500 cây ăn quả lâu năm…

Lãnh đạo huyện Hoài Nhơn trồng cây gây rừng hàng năm. ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Bên cạnh việc nỗ lực phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới vào cuối năm nay, huyện Hoài Nhơn cũng đã và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm địa phương với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.

Là huyện cực Bắc của tỉnh Bình Định nhưng Hoài Nhơn đã có đến 9 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Đó là 6 nhãn hiệu tập thể là dầu dừa tinh khiết Hoài Nhơn, nước mắm truyền thống, bún số 8 Tam Quan Nam, chuối mốc Hoài Sơn, trứng vịt lộn Hoài Mỹ, chiếu cói Hoài Nhơn; 2 nhãn hiệu đã được chứng nhận là cá ngừ đại dương Bình Định, bánh tráng nước dừa Tam Quan và 1 nhãn hiệu “bánh hồng” do cơ sở sản xuất tự đăng ký. Tổng sản lượng các sản phẩm đạt gần 300.000 đơn vị sản phẩm; tổng doanh thu đạt hơn 217 tỉ đồng/năm.

Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” của huyện Hoài Nhơn đang được xây dựng phát triển theo hướng chủ thể sản xuất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh.

Thành quả sau một chuyến ra khơi của ngư dân huyện Hoài Nhơn. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN

Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn Phạm Trương nói: “Từ sau phong trào đấu tranh giành độc lập, tới nay mới có một phong trào mạnh mẽ mà toàn dân, toàn Đảng đồng lòng để hoàn thành một mục tiêu chung trong một khoảng thời gian nhất định”.

Tuy nhiên theo Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn,tại mỗi địa phương, vẫn còn những vấn đề, chỉ tiêu cần phải khắc phục và điều chỉnh. Nhưng thành quả xây dựng nông thôn mới của huyện những năm qua đã tạo nên một cuộc sống đổi mới khá toàn diện.

Phong trào xây dựng nông thôn mới từ thực tiễn đã đưa ra cho Đảng bộ, chính quyền huyện Hoài Nhơn nhiều bài học quý giá về phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; về sự rõ ràng, tính minh bạch trong những chính sách, các dự án phát triển; sự đồng lòng đoàn kết của người dân.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục