Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc

08:23' - 05/04/2019
BNEWS Với tiến độ như hiện nay, hết quý II/2019 cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu 5 năm của Chương trình đã được Quốc hội và Chính phủ giao là có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Gia Canh, một xã miền núi của huyện Định Quán, Đồng Nai về đích nông thôn mới. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Trong giai đoạn 2 (2016 - 2020) của Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên cả nước đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế; đồng thời khắc phục được những hạn chế của giai đoạn trước...

Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, với tiến độ như hiện nay, hết quý II/2019 cả nước sẽ hoàn thành mục tiêu 5 năm của Chương trình đã được Quốc hội và Chính phủ giao là có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, đến nay, cả nước đã có 4.144 xã (chiếm 46,48%) đạt chuẩn nông thôn mới, 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ba địa phương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Nai, Nam Định và Đà Nẵng. Đồng thời, có một số địa phương công nhận số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí do tỉnh ban hành.

Là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 26/133 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Điểm nổi bật của Đồng Nai là kinh tế phát triển toàn diện, hiệu quả và bền vững.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối chương trình nông thôn mới tỉnh, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, mô hình trồng bưởi VietGAP cho thu nhập 1,2 - 2 tỷ đồng/ha; nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 2,5 - 3 tỷ đồng/ha...

Nhờ phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thu nhập của người dân nông thôn các địa phương tăng gấp 3 - 4 lần so với 10 năm trước. Qua đó, thu nhập bình quân của người nông dân tại nhiều huyện nghèo đã có mức tăng cao như tại huyện Trảng Bom đạt trên 61,2 triệu đồng/người/năm; huyện Vĩnh Cửu đạt trên 56 triệu đồng/người/năm…

Huyện Xuân Lộc là một trong số ít địa phương của cả nước được chọn làm thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu, do đó huyện luôn xác định rõ điều kiện thực tế để đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng và chú trọng đi vào chất lượng và tính bền vững.

Mới đây, Đề án Xây dựng huyện Xuân Lộc đạt nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018 - 2025 đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Việc thực hiện đề án nhằm mục tiêu xây dựng huyện Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới phát triển toàn diện và bền vững trên tất cả các tiêu chí nông thôn mới. Đến nay Xuân Lộc đã có 4/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2019, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu xã Xuân Định đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, với 6/14 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, khả năng Xuân Lộc đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước là rất lớn.

Bên cạnh đó, Đồng Nai cũng là tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao với 26 xã đã đạt chuẩn. Điểm nổi bật của Đồng Nai là tốc độ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nhất là trong ứng dụng khoa học công nghệ cao rất nhanh từ huyện điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đến các địa phương khác.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Đồng Nai đã phát huy được nhiều lợi thế để có những bước tiến nhanh trong xây dựng nông thôn mới như: ở vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh có nhiều lợi thế, đặc biệt là về thị trường; tiến độ công nghiệp hoá nhanh tác động lan toả đến nông thôn; đặc biệt vùng đất Đồng Nai rất phù hợp phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao...

Đánh giá về những kết quả mà Đồng Nai đạt được, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, Đồng Nai là 1 trong 3 đơn vị cấp tỉnh của cả nước có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, khả năng rất cao tỉnh cũng sẽ đi đầu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Bên cạnh đó, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất nông lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước (dưới 100 triệu đồng/ha).

Còn theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn: “Đồng Nai đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với cách làm rất hay, hiệu quả vì tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng có chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương”.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong giai đoạn vừa qua, riêng về ngân sách Trung ương đầu tư cho nông thôn mới tăng hơn gấp 4 lần so với giai đoạn trước.

Hệ số tập trung, tăng nguồn lực cho các vùng kinh tế khó khăn, miền núi gấp từ 4-5 lần so với mức bình quân của cả nước để tạo ra bức tranh phát triển bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhiều nội dung mới cũng được đưa vào giai đoạn này, như: Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phong trào xây dựng vườn mẫu gắn với khu định cư kiểu mẫu; phát triển du lịch nông thôn…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, để chuẩn bị cho tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đánh giá kết quả một cách khách quan nhất thì điều quan trọng hơn là định dạng ra giai đoạn mới, nông thôn mới ở Việt Nam sẽ như thế nào trong bức tranh chung của kinh tế Việt Nam trong 5 năm, 10 năm tới.

Theo đó, chất lượng sẽ được chú trọng hơn. Những chỉ tiêu như: môi trường, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự… cần được tập trung hơn. Về phát triển sản xuất, những chương trình lớn như: phát triển 15.000 hợp tác xã kiểu mới; Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm… phải được xem là chiến lược lâu dài để phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện nay, du lịch Việt Nam tăng nhanh theo mỗi năm, do đó, cần chú trọng khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những chương trình trên cũng cần được quan tâm.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, để thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền, thì ngoài việc tiếp tục tạo mọi điều kiện cho những vùng khó khăn phát triển, xây dựng nông thôn mới sẽ được lồng ghép với nhiều chương trình như: xóa đói giảm nghèo, chương trình các xã vùng biên giới hải đảo; gắn giữa phát triển rừng bền vững với xóa nghèo…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là chương trình tổng thể, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Còn nông thôn, nông dân là còn nông thôn mới, làm sao để nông thôn ngày càng giàu đẹp hơn, hiện đại hơn, đời sống người nông dân càng được nâng cao, giàu mạnh một cách bền vững./.

>>> Bình Định: Toàn bộ 15 xã huyện Hoài Nhơn đạt chuẩn nông thôn mới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục