Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt

16:29' - 18/03/2024
BNEWS Xây dựng thương hiệu sản phẩm phải đến từ chất lượng, truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
Đó là ý kiến của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam tại hội thảo tham vấn về hoàn thiện chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 18/3.

Nhận định trong ngành rau quả, chất lượng sản phẩm quyết định nhiều từ giống cây trồng, công nghệ bảo quản, bao bì đóng gói và khâu chất lượng, giống rất quan trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề xuất nhà nước phải có luật, biện pháp thúc đẩy phát triển giống cây trồng mới, nổi trội, mang tầm vóc quốc gia song song đó phải ban hành chính sách, biện pháp bảo vệ quyền lợi người sở hữu, bản quyền giống.

Cũng theo ông Đặng Phúc Nguyên, trong ngành rau quả hiện nay, nổi trội là mặt hàng sầu riêng. Năm 2023, ngành sầu riêng xuất khẩu đạt kim ngạch gần 2,3 tỷ USD. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt trên 3 tỷ USD. Nếu ngành sầu riêng phát huy được thế mạnh sản lượng, chất lượng và thương hiệu thì có thể bằng ngành lúa gạo trong thời gian tới.

Để bảo vệ thương hiệu sầu riêng quốc gia thì phải có biện pháp kiểm soát chặt việc thu hái quả sầu riêng non, không đạt chất lượng; xây dựng được quy chuẩn mặt hàng sầu riêng xuất khẩu; xử lý cá nhân, đơn vị xuất khẩu sầu riêng non; chỉ cấp phép xuất khẩu giống sầu riêng có uy tín, có thể tạo được thương hiệu quốc gia. Không thể thả nổi việc xuất khẩu sầu riêng non, không ngon, kém chất lượng làm ảnh hưởng thương hiệu quốc gia - ông Nguyên nhấn mạnh.

Đồng quan điểm về việc xây dựng thương hiệu phải gắn liền với chất lượng, bà Hoàng Ngọc Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, tiêu Việt Nam đã giữ vững ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu và sản lượng. Tuy nhiên, hiện Hiệp hội gặp vấn đề kiểm soát chất lượng, đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, hiện Brazil là quốc gia đang bám đuổi Việt Nam về xuất khẩu hồ tiêu. Vì thế, nếu Việt Nam không làm tốt vấn đề truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng, quy trình sản xuất thì ngôi vị số 1 thế giới của tiêu Việt Nam sẽ bị lung lay.

Ngoài vấn đề chất lượng sản phẩm cần được quan tâm khi xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia, đại diện các doanh nghiệp, địa phương, viện trường cũng đề xuất, kiến nghị giải pháp quản lý thương hiệu, nhãn hiệu, việc sử dụng thương hiệu quốc gia, định hướng phát triển thương hiệu, nhãn hiệu... để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, góp phần phát huy giá trị của sản phẩm.

Để khai thác các nhãn hiệu, thương hiệu tập thể của từng địa phương, quốc gia, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho rằng nên kiện toàn hệ thống hiệp hội các ngành hàng của Việt Nam và tỉnh thành. Nhãn hiệu địa phương, nhãn hiệu quốc gia nên giao cho hiệp hội ngành hàng khai thác sử dụng nhưng chủ sở hữu là đơn vị nhà nước; có quy chế quản lý nhãn hiệu đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, muốn phát triển nhãn hiệu thành thương hiệu quốc gia cần quan tâm đến những sản phẩm chủ lực của địa phương, quốc gia. Các sản phẩm này phải được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ nhãn hiệu. Như vậy mới bảo vệ được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Hiện định hướng phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam tập trung vào ba hướng tiếp cận chính: xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp; xây dựng thương hiệu vùng, miền, địa phương; xây dựng thương hiệu quốc gia. Bảo vệ thương hiệu quốc gia là nhiệm vụ không chỉ của bộ ngành, mà còn là của doanh nghiệp, người sản xuất ra sản phẩm.

Vì thế, bà Hoàng Ngọc Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam đề xuất, thương hiệu quốc gia phải gắn được với thương hiệu doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là người đồng hành, chia sẻ và giúp nhà nước củng cố thương hiệu; phát triển và đồng nhất sản phẩm đáp ứng thị trường ngày càng tốt hơn. Bởi nếu không có sự đầu tư, gắn kết giữa thương hiệu quốc gia và sự hỗ trợ của các hiệp hội, doanh nghiệp thì việc quản trị thương hiệu sẽ vất vả. Bởi khách hàng thị trường quốc tế nhận diện thương hiệu từ chính thương hiệu của từng nhà sản xuất.

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm đã được bảo hộ, có nhãn hiệu, thương hiệu. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế pháp lý để điều chỉnh hợp lý chính sách pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam (xây dựng thương hiệu, sử dụng thương hiệu vùng, địa phương, thương hiệu quốc gia; xử lý khi xảy ra tranh chấp thương hiệu; cơ chế để phát triển nhãn hiệu, thương hiệu...).

Nhận định, phải có thương hiệu để bảo vệ giá trị của sản phẩm nông sản Việt Nam và nên có nghị định để đủ cơ sở pháp lý để quản lý thương hiệu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Viện chính sách và Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường cùng với Vụ Pháp chế cùng thảo luận đề xuất với Chính phủ xây dựng nghị định về quản lý và phát triển nhãn hiệu nông sản Việt Nam.

Nhãn hiệu phát triển đến một lúc nào đó sẽ trở thành thương hiệu. Vì thế, khi xây dựng nghị định phải theo chuỗi giá trị nhãn hiệu nông sản (từ giống, gieo sạ đến sản phẩm) và thông qua đơn vị quốc gia quản lý về chất lượng sản phẩm trước khi đăng ký quốc tế. Như vậy, sẽ phân định rõ được cơ chế quản lý của các cơ quan, địa phương, các ngành - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Trong thời gian chờ trình Chính phủ ban hành Nghị định, Cục Chế biến, Chất lượng và Phát triển thị trường, các hiệp hội ngành hàng chọn ra một số sản phẩm chủ lực thí điểm thực hiện trước. Ủy quyền cho Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, trong năm 2024, triển khai thực hiện tiếp Đề án về xây dựng thương hiệu Gạo Việt Nam. Sau đó, tiến tới thực hiện xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải khí nhà kính và một số mặt hàng chủ lực như: con tôm, cá tra, sầu riêng… Để làm tốt thì giữa nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu doanh nghiệp hài hòa với nhau, không đối chọi và triệt tiêu nhau.

Phát triển nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu. Hiện Việt Nam duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên; trong đó có 7 nhóm mặt hàng (gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Mỹ, EU và Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, mặc dù, đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.

Hiện 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Mới chỉ có 2 sản phẩm trong tổng số 13 sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam gồm “Cao su Việt Nam” (Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu) và “Gạo Việt Nam” (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ sở hữu). Các sản phẩm còn lại như cà phê, tôm, cá tra... vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục