Hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính tập đoàn kinh tế Nhà nước

13:05' - 15/11/2018
BNEWS Theo Tổng giám đốc PVN, trong quá trình hoạt động, mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước nói chung đã bộc lộ một số vấn đề. Vì vậy, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ.
Toàn cảnh hội thảo ngày 15/11/2018. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính tập đoàn kinh tế Nhà nước là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận tại “Hội thảo khoa học xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Tập đoàn kinh tế Nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Tạp chí Cộng sản, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp đồng tổ chức sáng 15/11 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, trong quá trình hoạt động, mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước nói chung đã bộc lộ một số vấn đề như phát triển quá nóng, tập trung mở rộng quy mô, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực mà thiếu chú trọng vào lĩnh vực kinh doanh chính, cốt lõi; phát triển vượt quá năng lực tài chính và quản trị.
Vì vậy, hiệu quả hoạt động của tập đoàn kinh tế Nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ và khi tham gia vào các lĩnh vực rủi ro đã gặp khó khăn trong quản lý, giám sát khi thị trường có biến động mạnh.

Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Phạm Tiến Đạt, Viện phó Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng năng lực quản lý, giám sát tài chính tập đoàn kinh tế của các cơ quan đại diện chủ sở hữu chưa tương xứng với quy mô và mức độ phức tạp của các tập đoàn kinh tế; phương thức giám sát còn chủ yếu thực hiện giám sát sau, giám sát gián tiếp thông qua báo cáo, do đó chưa kịp thời nhận định những rủi ro để có những cảnh báo kịp thời cho tập đoàn kinh tế.
Bổ sung các ý kiến này, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Vũ Văn Hiền chỉ rõ “doanh nghiệp tư nhân mua mớ rau còn phải tính rất kỹ” nhưng doanh nghiệp Nhà nước ký hợp đồng hàng tỷ đồng lại rất dễ.
Vì thế, các đại biểu cho rằng để hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước với tập đoàn kinh tế có vốn Nhà nước đầu tư, bên cạnh sự giám sát tài chính theo quản lý chuyên ngành thì phải có sự quản lý, giám sát tài chính của Nhà nước đối với phần vốn Nhà nước đầu tư vào tập đoàn, ông Đạt đề xuất.
Theo chuyên gia Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện bộ máy triển khai mô hình Ủy ban quản lý, giám sát tài chính của Nhà nước trên phương diện chủ sở hữu đầu tư vốn vừa được thành lập.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Chính phủ cũng cần tách bạch rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp theo tỷ lệ vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phân định rõ quyền quản trị công ty với quyền chủ sở hữu trong doanh nghiệp.
Với quan điểm “quản lý vốn Nhà nước” thay cho quan điểm “quản lý tài sản Nhà nước” như trước đây, cơ chế quản lý tài chính cần tập trung vào khâu giám sát tài chính thông qua theo dõi, kiểm tra, thu thập thông tin để phân tích, đánh giá, cảnh báo rủi ro cho các tập đoàn kinh tế nhằm đảm bảo an toàn vốn Nhà nước.
Bên cạnh đó, bộ tiêu chí giám sát tập đoàn kinh tế cần phù hợp với từng mô hình kinh doanh của tập đoàn kinh tế theo cả tiêu chí định tính và định lượng, ông Đạt chỉ rõ./.

>>> Năm doanh nghiệp giao thông lớn về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục