Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng là cần thiết

19:52' - 08/09/2017
BNEWS Chiều 8/9, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng.
Hội thảo lấy ý kiến đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Theo Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành, những năm vừa qua, hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng dân dụng và công nghiệp, giao thông vận tải, thủy lợi và các kết cấu hạ tầng kỹ thuật khác tại Việt Nam.

Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật đã điều tiết hiệu quả các hoạt động đầu tư xây dựng từ quy hoạch, khảo sát – thiết kế, thi công đến khai thác sử dụng công trình, đã đưa ra các yêu cầu tối thiểu, tối đa bắt buộc phải áp dụng trong quy hoạch và xây dựng công trình nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe cho con người, tài sản của nhà nước và nhân dân, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Hệ thống tiêu chuẩn cũng đưa ra được các giải pháp, quy trình, chỉ dẫn nhằm sản xuất và cung cấp các sản phẩm và công trình xây dựng đạt được các yêu cầu kỹ thuật đặt ra trong quy chuẩn.

Nhờ những đóng góp này, các công trình đã xây dựng trong những năm qua đạt chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu chức năng, công năng sử dụng.

Hầu hết các công trình cấp I, II và cấp đặc biệt đã được kiểm soát chất lượng, gần như không có sự cố.

Một số công nghệ tiên tiến đã được áp dụng tại Việt Nam góp phần nâng cao năng suất và chất lượng công trình, an toàn lao động và tiết kiệm thời gian.

Đây còn là chuẩn mực để giải quyết các tranh chấp thương mại, phân định trách nhiệm và là một biện pháp kỹ thuật quan trọng cho doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đảm bảo chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi hoàn toàn sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, việc áp dụng tiêu chuẩn còn góp phần ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, tính mạng con người.

Tuy nhiên, mặc dù nhiều, nhưng hệ thống quy chuẩn của Việt Nam chưa phủ hết các đối tượng và lĩnh vực xây dựng.

Về chất lượng, còn một số quy định chưa thực sự phù hợp với thực tiễn Việt Nam do được chuyển dịch chấp nhận hoàn toàn từ tài liệu nước ngoài.

Ngoài ra, một số quy định chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ xây dựng được du nhập vào và đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay.

Bởi vậy, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng là cần thiêt

Ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng - cũng đồng tình với quan điểm song song với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn thì phải rà soát lại.

Tuy nhiên, hệ thống này phải tuân thủ theo các cam kết cũng như thông lệ quốc tế, ông Hải lưu ý.

Hiện nay, các tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng vẫn đang "treo" 107 tiêu chuẩn, chưa ban hành được theo kế hoạch.

Điểm "nghẽn" cũng không hoàn toàn nằm ở khâu thẩm định mà chính là quá trình xây dựng các tiêu chuẩn này.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng, mạng lưới các cơ quan quản lý khoa học công nghệ nói chung và liên quan đến công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn ở các đơn vị cơ sở còn mỏng, mang nặng tính chất quản lý hành chính.

Bởi vậy, chưa chủ động phát hiện, đề xuất các vướng mắc liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn cần giải quyết trên thực tế.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề xuất, giai đoạn tới, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, chỉnh sửa theo hướng cập nhật thường xuyên, liên tục, tiếp cận trình độ quốc tế.

Đặc biệt, việc lựa chọn các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu, thuỷ văn cũng như vật liệu và trình độ thi công của Việt Nam cần được chú trọng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, nhà nước vẫn chi phối việc xây dựng và ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn; bỏ kinh phí ra thực hiện.

Nhiều nước trên thế giới thành lập các Ban kỹ thuật thẩm định, soạn ra quy chuẩn, tiêu chuẩn. Họ làm theo nhánh chuyên đề và chịu trách nhiệm sửa đổi, trình ban hành.

Nhưng với điều kiện thực tế tại Việt Nam, việc ban hành, thẩm định nên thống nhất hoàn thành 1 bước cho thuận tiện và Ban kỹ thuật thẩm định nên cố định, thay vì thành lập nhiều hội đồng lẻ - Thứ trưởng Lê Quang Hùng phân tích./.

Xem thêm:

>>>Trình Chính phủ Đề án hoàn thiện định mức, hệ thống đơn giá xây dựng trong tháng 6

>>>Quản lý chất lượng công trình xây dựng đã có chuyển biến

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục