Hoàn thiện khung pháp lý khơi thông nguồn lực phát triển điện khí LNG

17:33' - 07/12/2023
BNEWS Điện khí LNG góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao.

Ngày 7/12, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) tổ chức diễn đàn “Hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII”. Sự kiện thu hút đông đảo đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, các địa phương, giới nghiên cứu, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm tìm kiếm giải pháp khơi thông nguồn lực phát triển điện khí LNG.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động khí hậu thế giới (COP28) đang diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít các quốc gia sớm xây dựng và triển khai kế hoạch hành động, nhằm hiện thực hóa các cam kết chống biến đổi khí hậu theo thoả thuận Paris tại hội nghị COP26.

 
Theo ông Phòng, tại hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam đang triển khai hàng loạt giải pháp để thực hiện cam kết trên; trong đó, gồm ban hành Quy hoạch điện VIII, phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết.

Như vậy, có thể thấy, việc chuyển dịch năng lượng bền vững, giảm mạnh điện than thay thế bằng nguồn điện từ năng lượng tái tạo, điện khí LNG là chủ trương, định hướng quan trọng của Đảng và Nhà nước trong những năm gần đây. Tại Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị ban hành ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống. Đồng thời phát triển công nghiệp khí được ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng. Quy hoạch Điện VIII đưa ra mục tiêu đưa 13 nhà máy điện khí LNG vào vận hành; chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, ông Phòng nhấn mạnh.

Theo ông Phòng, phát triển điện khí LNG góp phần đảm bảo cung cấp điện ổn định cho hệ thống, giảm thiểu phát thải khí nhà kính tác động đến môi trường; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, không gặp tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời. Nhiệt điện khí LNG cũng là giải pháp hạn chế phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay; đặc biệt, giúp ngành điện phát triển xanh hơn, góp phần thực hiện cam kết tại hội nghị COP26”.

Cũng tại sự kiện, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam ông Nguyễn Quốc Thập đề xuất một nhóm các giải pháp nhằm tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG trong Quy hoạch Điện VIII. Cụ thể như mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện khí LNG theo sát với mục tiêu cung cấp khí điện LNG trong Quy hoạch Điện VIII; xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp hay nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn cùng với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG. Ngoài ra, cần sớm sửa đổi các Bộ Luật Điện lực, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Thuế và các bộ luật, nghị định hướng dẫn liên quan.

Theo đó, ông Nguyễn Quốc Thập đề nghị Nhà nước cần chấp nhận chuỗi kinh doanh khí điện LNG hoạt động theo cơ chế thị trường và các cơ quan quản lý Nhà nước cũng sẽ thực hiện việc giám sát và hậu kiểm mọi quá trình hoạt động của chuỗi. Bên cạnh đó, Nhà nước có thể cho phép các chủ thể, các nhà máy điện khí được quyền đàm phán bán điện một cách cạnh tranh giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các hộ tiêu thụ điện; cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng tàng trữ và tái hóa khí của kho cảng LNG... Cuối cùng, là việc cập nhật và sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và EVN.

“Việc Chính phủ không còn trực tiếp đứng ra bảo lãnh các hợp đồng mua bán khí và mua bán điện là một quyết sách đúng. Tuy nhiên với khung pháp lý hiện tại PVN và EVN không đủ cơ sở để thực hiện bảo lãnh thay thế”, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đánh giá.

Tại phiên tọa đàm, Chuyên gia kinh tế Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban chỉ đạo dự án điện quốc gia nhận định, chuyển đổi năng lượng, thay thế các nguồn năng lượng truyền thống gây ô nhiễm sang các nguồn năng lượng sạch là xu hướng diễn ra ở nhiều quốc gia. Tuỳ theo vị trí địa lý, điều kiện kinh tế, mỗi quốc gia có chính sách chuyển đổi nguồn điện hợp lý, đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo chuyên gia Lã Hồng Kỳ, tại Việt Nam, có thể chuyển đổi năng lượng sang điện gió, điện mặt trời, điện khí… - những nguồn năng lượng sạch và tốt nhằm đảm bảo an ninh năng lượng trong tất cả tình huống và trong tất cả điều kiện thời tiết…Để có thể hiện thực hoá mục tiêu phát triển Điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII, ngoài việc phải giải quyết những vướng mắc chung thì các dự án điện khí còn rất nhiều thách thức khác cần sự hỗ trợ để giải quyết triệt để.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục