Hoàn thiện quy định phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại

16:15' - 27/11/2020
BNEWS Ngày 27/11, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29/11).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, nguyên Chủ tịch Hiệp hội VATAP, ông Lê Thế Bảo nhấn mạnh, năm 2007, theo kiến nghị của hiệp hội, Chính phủ đã đồng ý chọn ngày 29/11 hàng năm làm Ngày phòng, chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp đối với đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Đây là hoạt động thường niên thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 6512/VPCP-VI, ngày 12/11/2007, nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cũng như đưa ra các chương trình hành động cụ thể trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái.

Qua đó, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội về phòng, chống hàng giả, hàng nhái trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Theo ông Lê Thế Bảo, từ khi thành lập (năm 2004), Hiệp hội VATAP luôn xác định chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm, liên tục.

Vì vậy, Hiệp hội VATAP đã thể hiện vai trò của mình - bám sát từng ngành hàng, nhóm hàng và phù hợp với yêu cầu của từng hội viên, đồng thời thực hiện nhiệm vụ nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Bên cạnh đó, hiệp hội tích cực kêu gọi, gửi nhiều văn bản đến các hội viên, hưởng ứng Cuộc vận động theo Chỉ thị 24/CT-TTg về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đặc biệt, Hiệp hội VATAP cũng tổ chức quảng bá thương hiệu doanh nghiệp cho hội viên, tạo phong trào xây dựng, thương hiệu; hàng trăm hội viên hiệp hội và doanh nghiệp nói chung đã tham gia Chương trình “Thương hiệu vàng” của Hiệp hội (chương trình này được phép của Chính phủ và Bộ Công Thương 3 năm/lần).

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội VATAP Lê Thế Bảo đề nghị, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các quy trình, thủ tục xử lý các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng thực thi và giữa lực lượng thực thi với doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả của đấu tranh phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng thời, hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp hội viên nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm chất lượng đối với công bố, chịu trách nhiệm trước pháp luật, sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, kinh doanh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu.

Tại lễ kỷ niệm, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp, cả về quy mô tính chất và địa bàn, các mặt hàng hết sức đa dạng từ đồ ăn, thức uống, đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả.

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã triển khai nhiều quy chế phối hợp với Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố, các lực lượng thực thi như hải quan, cảnh sát biển…Vì vậy, việc phối hợp đấu tranh với hàng giả hàng nhái đã đạt được một số kết quả tích cực.

Theo ông Đàm Thanh Thế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tăng cường truyền thông tác hại của hàng giả, cùng hành động, không bao che, không tiếp tay, không sử dụng hàng giả, hàng nhái, đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài.

Cùng với đó, phối hợp với nhà sản xuất tuyên truyền để người dân nhận biết hàng thật hàng giả, có trách nhiệm phối hợp, phát hiện xử lý hàng giả, hàng nhái, thường xuyên giám sát việc tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, cải tiến công nghệ, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, qua 4 nhiệm kỳ hoạt động, Hiệp hội VATAP đã đạt nhiều thành tích, đóng góp đáng kể vào đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ; đóng góp tích cực với cơ quan Nhà nước trong xây dựng pháp luật, giám định hàng giả, sở hữu trí tuệ.

Khẳng định sự phối hợp tích cực với cơ quan chức năng, quản lý nhà nước trong phòng chống gian lận thương mại, bảo vệ người tiêu dùng. Vận động hội viên không sản xuất hàng giả, nâng cao nhận thức trong bảo vệ sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Vũ Đăng Minh đề nghị Hiệp hội VATAP trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động theo chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống hàng giả, gian lận thương mại trong tình hình mới.

Đặc biệt, cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tổng hợp ý kiến kiến nghị của xã hội về vấn đề này, để đóng góp cho Chính phủ hoàn thiện thể chế, quy định nhằm phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Tại buổi lễ, Hiệp hội VATAP đã trao Giấy chứng nhận tới 2 doanh nghiệp (nhà tài trợ chính cho chương trình) là Công ty cổ phần Tuần Châu và Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ và đầu tư quốc tế Ý Việt; trao giấy chứng nhận hội viên tới 6 doanh nghiệp vừa được kết nạp vào tổ chức hiệp hội.

Trước đó, ngày 26/11, Hiệp hội VATAP đã tổ chức thành công Đại hội toàn thể hội viên lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội đã nhất trí bầu ông Nguyễn Đăng Sinh, Phó Chủ tịch thường trực nhiệm kỳ 2016 - 2020 giữ chức vụ Chủ tịch Hiệp hội VATAP nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục