Hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp phát triển

16:01' - 06/11/2018
BNEWS Để có thể đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây vẫn là một mục tiêu khó và cần có nhiều giải pháp kịp thời.
Cần hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh thúc đẩy doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể phát triển. Ảnh minh họa: TTXVN

Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong cả nước tăng nhanh với tổng vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây vẫn là một mục tiêu khó và cần có nhiều giải pháp kịp thời; trong đó cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh. Đây là các vấn đề đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể.

*Quy mô doanh nghiệp vẫn nhỏ

Theo báo cáo Bộ Chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, giai đoạn 2010-2017, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và loại hình doanh nghiệp thể hiện đúng chủ trương phát triển kinh tế của nhà nước, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm dần cả về quy mô và tỷ lệ đóng góp. Quy mô và tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp FDI đều tăng và tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến đầu tháng 7/2018, cả nước có trên 702.700 doanh nghiệp đang tồn tại; trong đó, khu vực nhà nước có gần 2.500 doanh nghiệp, giảm 6,6% so với năm 2016. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có trên 541.700 doanh nghiệp, tăng gần 11%. Khu vực FDI có trên 16.170 doanh nghiệp, tăng hơn 15%.

Trong báo cáo Tổng cục Thống kê cũng nêu rõ, tính đến thời điểm 31/12/2017, cả nước có 560.417 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016.

Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước năm 2017 đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 là trên 1.200 nghìn tỷ đồng, tăng 45,4% so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2016.

Cuối năm 2017, tổng số lao động đang làm việc trong khu vực doanh nghiệp là trên 14.5 triệu người, tăng 3,6% so với năm 2016. Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt trên 876 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm trước.

Năm 2017, nhiều địa phương như: Hưng Yên, Nam Định, Lào Cai, Thái Bình, Thừa Thiên – Huế, Ninh Thuận có tốc độ tăng lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp trên 100% so với năm 2016.

Bình quân giai đoạn 2010-2017, số doanh nghiệp thực tế hoạt động tăng 10,5%/năm, số lao động thu hút làm việc trong khu vực doanh nghiệp tăng 5,9%/năm, vốn sản xuất kinh doanh tăng 15,4%/năm, doanh thu tăng 15,6%/năm, lợi nhuận tăng 13,7%/năm và đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 12,4%/năm.

Địa phương có đóng góp nhiều nhất của khu vực doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước là Tp. Hồ Chí Minh với gần 232 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 24% cả nước; Hà Nội 197 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 21%. Thu nhập bình quân tháng của một lao động năm 2017 của khu vực doanh nghiệp đạt 8,3 triệu đồng, tăng hơn 10% so với năm 2016.

Đánh giá về quy mô doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, bức tranh kinh tế Việt Nam đang phát triển tốt với số lượng doanh nghiệp tăng nhanh.

“Điều này phần nào cho thấy sự gia tăng mức độ thuận lợi cũng như tiềm năng của môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện.”, ông Lâm nhấn mạnh.

Đặc biệt trong 2 năm vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm đều tăng thêm trên 100.000 doanh nghiệp. Cụ thể năm 2016 là trên 110.000 doanh nghiệp, năm 2017 là 126.000 doanh nghiệp. Điều này đã cho thấy môi trường và xu hướng sản xuất kinh doanh đã được tạo dựng do Chính phủ luôn thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động hiện nay là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, chiếm tỷ lệ rất lớn (trên 96,7%) và quy mô của doanh nghiệp ngoài nhà nước cũng không được lớn. Do đó, những khó khăn thách thức lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp là quy mô doanh nghiệp đang dần nhỏ đi. Mặc dù, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, nhưng chỉ tập trung ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn giảm đi, nên các doanh nghiệp khó tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Ông Thúy cũng chỉ ra, đối với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, các hộ đủ điều kiện chuyển thành doanh nghiệp là không nhiều. Hiện nay, mới chỉ có khoảng 103 nghìn hộ kinh doanh cá thể có đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp với mỗi doanh nghiệp có số lượng trên 5 người.

Với thực trạng thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể như hiện nay, Việt Nam khó có thể đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, ông Thúy nhấn mạnh.

*Giải pháp để doanh nghiệp phát triển

Khu vực doanh nghiệp, với vai trò đóng góp lớn nhất vào quy mô phát triển của nền kinh tế, chiếm trên 60% trong GDP. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta cần khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Đặc biệt, với số lượng 5,1 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, thu hút 8,7 triệu lao động, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp; đồng thời, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các cơ sở cá thể kinh doanh ổn định, tuân thủ pháp luật và lâu dài. Điều này có thể sẽ dẫn đến số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ tăng nhanh trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Ông Phạm Đình Thúy cũng cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tạo môi trường cho doanh nghiệp yên tâm kinh doanh. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ, kỹ thuật, lao động; đặc biệt là khu vực kinh tế cá thể, hợp tác xã và tổ hợp tác.

Còn hầu hết ý kiến các doanh nghiệp trong nước cho rằng, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng phát triển các thành phần kinh tế; đồng thời, các bộ, ngành cần cải cách mạnh mẽ cơ sở pháp lý, cắt giảm thủ tục hành chính cản trở kinh doanh doanh nghiệp, tránh tình trạng nhũng nhiễu ở cấp chính quyền địa phương.

Một trong những giải pháp được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo nội hàm của cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó định hướng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tài chính, tín dụng. Đồng thời, có chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, với tầm quan trọng và hiệu quả của doanh nghiệp FDI, Chính phủ cần khai thác cơ hội của cách mạng 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ công nghệ nguồn, có năng lực quản trị hiện đại, năng lực cạnh tranh cao để đầu tư vào Việt Nam…

Ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) cho rằng, nhà đầu tư mong muốn, trước khi Việt Nam ban hành thể chế luật cần phải chuẩn bị rõ ràng, cụ thể để loại bỏ tranh cãi. Việc thay đổi chính sách thuế như thuế môn bài, giá trị gia tăng, thuế thu nhập sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp mong muốn chính sách ưu đãi này duy trì ổn định để tránh bất an, lo lắng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế có đứng vững, phát triển thành công trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0 còn phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ lao động có trình độ, biết đổi mới sáng tạo, biết đưa ra ý tưởng mới. Vì vậy, Chính phủ cần đổi mới phương thức, chương trình đào tạo, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

“Đây cũng là nhiệm vụ để thực hiện 3 khâu then chốt của nền kinh tế: đổi mới thể chế; xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục