Hoàn thiện thủ tục để Hiệp định EVFTA sớm đi vào thực thi
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, ngay sau ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV ngày 20/5, Quốc hội sẽ chính thức xem xét, thảo luận theo quy trình để tiến tới phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Báo cáo giải trình của Chính phủ đã được trình Quốc hội có các nội dung để đảm bảo thực thi Hiệp định có hiệu quả. Cụ thể, Báo cáo tập trung vào hai nội dung quan trọng nhất gồm các vấn đề pháp lý cần xử lý để có thể hoàn thành nghĩa vụ đặt ra trong hiệp định. Cùng đó là những chương trình, bước đi cụ thể mà Chính phủ sẽ thực hiện, từ đó đưa Hiệp định vào cuộc sống.
Việc quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA thuộc thẩm quyền Quốc hội. Theo quy trình của Quốc hội sẽ có bước ban hành Nghị quyết của Quốc hội trước khi hoàn thành quá trình phê chuẩn. Ngoài ra, hai bên sẽ chính thức xác nhận với nhau về thời điểm Hiệp định có hiệu lực qua kênh ngoại giao. Do đó, Hiệp định có hiệu lực ngày đầu tiên của tháng thứ 2 sau khi có Nghị quyết phê chuẩn của Quốc hội và văn bản trao đổi qua kênh ngoại giao. Cũng theo ông Lương Hoàng Thái, Việt Nam đang thúc đẩy bàn với Liên minh châu Âu (EU) để Hiệp định được thực thi sớm nhất. Vì vậy, nếu Quốc hội có Nghị quyết ban hành vào cuối tháng 5/2020 thì hai bên sẽ xác định ngày có hiệu lực của Hiệp định sau đó khoảng 2 tháng. Chia sẻ về những lợi ích mà EVFTA mang lại, Vụ Chính sách Thương mại Đa biên cho biết, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, những ngành hiện nay có thể tận dụng sớm cơ hội mà EVFTA mang lại là dệt may, giày dép, nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới mà Việt Nam có thế mạnh như: gạo, thủy sản… Theo các nghiên cứu, tác động của hiệp định tương đối thuận lợi đối với nền kinh tế Việt Nam nếu như khai thông được thị trường EU. Đặc biệt, trong một nghiên cứu mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới đã nhấn mạnh đến khía cạnh về xóa đói giảm nghèo cũng như khả năng các hộ gia đình vươn lên đạt mức tầng lớp trung lưu. Do vậy, nếu lấy chuẩn xóa đói giảm nghèo cao của Ngân hàng Thế giới sẽ có khoảng 800.000 người Việt Nam có thể thoát nghèo nhanh hơn so với kịch bản không có EVFTA. Hơn nữa, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong vòng 5 năm đầu thực hiện, hiệp định có thể đóng góp vào nền kinh tế tăng thêm khoảng từ 2,18-3,25%, tức là xung quanh 0,5 điểm phần trăm GDP/năm. Đây là tác động lớn hơn nhiều so với tất cả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) trước đây mà Việt Nam đã tham gia, kể cả so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Quốc hội phê chuẩn trước đây. Tuy nhiên, để con số đó trở thành hiện thực thì quyết tâm cải cách để thực thi Hiệp định sao cho hiệu quả mang tính chủ động mang ý nghĩa quyết định. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có thay đổi rất nhiều và rất nhanh so với trước đây, càng đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cách tiếp cận mới, thay đổi phù hợp với hoàn cảnh mới có thể tận dụng được các cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại. Ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh: Hiệp định kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, từ đó tăng cường thúc đẩy thương mại, đầu tư, tạo chuỗi cung ứng mới. Hiện nay, các nước đều đang trong quá trình nỗ lực để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Đặc biệt, trong bối cảnh đối phó với những thay đổi của đại dịch COVID-19, xu hướng này diễn ra mạnh hơn. Khác với nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ có Mexico là thị trường truyền thống cung ứng, EU không có một nền kinh tế nào ở gần để đáp ứng nhu cầu xây dựng chuỗi cung ứng mới. Vì vậy, EU đã lựa chọn một số thị trường khác nhau để kết nối dưới hình thức FTA. Với tư cách là một trong những nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực có FTA với EU, Việt Nam ở vị trí rất tốt để là một trong những nơi tiếp nhận chuỗi cung ứng mới thông qua xây dựng chuỗi cung ứng bền vững kết nối hai bên. Từ đó Việt Nam có cả quan hệ kinh tế cũng như quan hệ khác với EU ở mức cao hơn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy, đủ khả năng, đủ sức cạnh tranh để cung cấp hàng hóa cho đối tác thương mại. Tất nhiên, những đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản sẽ lựa chọn cả những đối tác khác nữa nhưng Việt Nam đứng ở vị thế rất tốt. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã cải cách kinh tế và những chỉ số gần đây như năng lực cạnh tranh, khả năng cung ứng của nhiều mặt hàng đều được cải thiện. Đáng lưu ý, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các mặt hàng như trang thiết bị y tế mà rất nhiều nước hạn chế xuất khẩu Việt Nam thể hiện là một đối tác tin cậy trong tất cả mối quan hệ quốc tế đó. Thời gian tới, Việt Nam không chỉ kỳ vọng ở một số mặt hàng thế mạnh như: dệt may, da giày mà sẽ vươn lên những mặt hàng khác với hàm lượng công nghệ cao hơn. Diễn biến của dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến nhiều nước trên thế giới ưu tiên nâng cao nội lực để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng bên ngoài. Vào thời điểm này, kể cả xu hướng đó gia tăng thì EVFTA vẫn giữ được vị thế của mình. Lý giải thêm về điều này, ông Lương Hoàng Thái cho hay, kể cả trước đây, khi đại dịch chưa xảy ra thì các nước cũng đã đặt vấn đề là nội lực đóng vai trò quyết định. Nhưng để tận dụng được nội lực, yếu tố quan trọng là Việt Nam phải tận dụng được cơ hội ngoại lực đem lại. Trong nền kinh tế thế giới hiện nay, không nền kinh tế nào có thể đứng độc lập. Điều này thúc đẩy việc thiết kế lại chuỗi cung ứng hiện tại chứ không thể chấm dứt hoàn toàn việc các nước phụ thuộc lẫn nhau về chuỗi cung ứng. Nói cách khác, sự phụ thuộc lẫn nhau là xu thế không thể đảo ngược. Rõ ràng chuỗi cung ứng có thể thay đổi nhưng đối tác nào có thể đi đầu trong việc xây dựng chuỗi cung ứng có tính đảm bảo, tin cậy lẫn nhau thì chuỗi cung ứng đó sẽ tiếp tục được củng cố và tăng cường./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Hiệp định EVFTA: Cú huých cho xuất khẩu
16:51' - 29/04/2020
Sau khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo “cú huých” lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU, đặc biệt là với các mặt hàng nông-thủy sản và những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.
-
Kinh tế Việt Nam
EVFTA: Gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại
16:16' - 24/04/2020
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào rất nhiều Hiệp định FTA như ASEAN, ASEAN+ và gần đây nhất là EVFTA, các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò tích cực với nền kinh tế.
Tin cùng chuyên mục
-
Thời sự
Ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Nguyễn Đức Hiển giữ chức Phó trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương
18:13' - 01/07/2025
Chiều 1/7, tại Hà Nội, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác cán bộ.
-
Thời sự
Bên lề Quốc hội: Sẵn sàng vận hành mô hình chính quyền hai cấp từ 1/7
15:21' - 26/06/2025
Bên lề Kỳ họp Quốc hội, các đại biểu bày tỏ kỳ vọng về năng lực, trình độ, kĩ năng quản trị cũng như bản lĩnh của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp.
-
Thời sự
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chúc mừng TTXVN và các cơ quan báo chí
14:41' - 17/06/2025
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã thăm và chúc mừng Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và các Cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
-
Thời sự
Bên lề Quốc hội: Hợp nhất tỉnh, bước chuyển lớn vì một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả
14:52' - 12/06/2025
Sáng 12/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025. Theo đó, cả nước sẽ có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố.