Hoàn thiện văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán

16:59' - 27/09/2021
BNEWS Theo VCCI, quy định hành vi vi phạm chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ theo dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán chưa rõ ràng và gây khó khăn, nhầm lẫn trong quá trình thực thi.

Phản hồi đề nghị của Bộ Tư pháp về việc góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, quy định hành vi vi phạm chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ mà dự thảo đã bổ sung thêm một số nội dung là chưa thực sự rõ ràng và có thể gây khó khăn, nhầm lẫn trong quá trình tra cứu, thực thi.

Chẳng hạn, hành vi không chuyển số tiền thu được từ đợt chào bán vào tài khoản phong tỏa, hành vi sử dụng số tiền khi chưa được xác nhận kết quả chào bán với hành vi phát hành chứng khoán tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP, cũng như đã được sửa đổi theo dự thảo đều không rõ có áp dụng cho việc phát hành trái phiếu hay không? Trong khi một số trường hợp phát hành trái phiếu riêng lẻ lại có yêu cầu nghĩa vụ này.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều riêng đối với hành vi vi phạm quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ hoặc sửa đổi quy định này tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP để làm rõ nội dung nào áp dụng với phát hành chứng khoán riêng lẻ, nội dung nào áp dụng với trái phiếu riêng lẻ và trong từng trường hợp cụ thể nào?

Quy định với hành vi vi phạm chào bán trái phiếu riêng lẻ, dự thảo cũng quy định xử phạt với hành vi thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được phát hành, trừ trường hợp được pháp luật quy định. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa thống nhất với các quy định khác như Nghị định 153/2020/NĐ-CP về "chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế" lại không có quy định cấm hoặc hạn chế doanh nghiệp thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu.

Về mặt logic, có thể hiểu rằng doanh nghiệp được thực hiện việc này. Trong khi thực tế, các tổ chức phát hành vẫn có quyền thương lượng với trái chủ để thay đổi các điều kiện, điều khoản theo các nội dung đã được thống nhất trước tại bản công bố thông tin liên quan. Việc quy định như tại dự thảo sẽ khiến việc thay đổi điều kiện trở thành vi phạm pháp luật chỉ vì không có quy định tường minh về vấn đề này. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này trong dự thảo.

Liên quan tới hành vi vi phạm quản trị công ty đại chúng, dự thảo quy định việc xử phạt với hành vi vi phạm quy định về quản trị công ty đại chúng. Song, theo VCCI, một số điểm trong dự thảo cần phải được xem xét. Theo đó, việc xử phạt Chủ tịch Hội đồng quản trị nếu không đảm bảo số lượng cuộc họp Hội đồng quản trị theo quy định dường như chưa thống nhất do các quy định liên quan về trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... Những văn bản quy phạm pháp luật ấy đều không có quy định về nội dung này.

Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát loại bỏ. Hay như việc xử phạt Chủ tịch Hội đồng quản trị nếu không báo cáo Đại hội đồng cổ đông. Quy định này cũng chưa thống nhất với Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Theo đó, trách nhiệm báo cáo là của Hội đồng quản trị tức là trách nhiệm tập thể, chứ không phải trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch Hội đồng quản trị. Vì thế, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo sửa lại quy định này.

Riêng đối với quy định với hành vi vi phạm với công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài, dự thảo quy định việc xử phạt với hành vi không tách biệt về trụ sở với các tổ chức khác. Như vậy, dường như không phù hợp và can thiệp quá mức vào hoạt động quản trị nội bộ và quyền tự quyết của công ty quản lý quỹ. Mặt khác, Điều 75 Luật Chứng khoán cũng chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải có trụ sở làm việc bảo đảm hoạt động kinh doanh mà không yêu cầu như dự thảo. Từ đây, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục