Thanh toán điện tử ngày càng thịnh hành ở Trung Quốc
Những năm gần đây, nói đến thanh toán điện tử hay còn gọi là thanh toán di động, thanh toán kỹ thuật số, hoặc thanh toán không dùng tiền mặt, người ta đều nhắc đến Trung Quốc, bởi lĩnh vực này đã phát triển với tốc độ chóng mặt ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thanh toán điện tử đã trở thành một công cụ thanh toán phổ biến và ngày càng được đông đảo người dân Trung Quốc ưa chuộng.
Tiền mặt dần mất vị thế
Cách đây 7-8 năm, người dân Trung Quốc chủ yếu vẫn dùng tiền mặt trong tiêu dùng. Tuy nhiên, khi đó làn sóng thanh toán điện tử đã diễn ra nhanh chóng.
Báo cáo đánh giá của công ty tư vấn iResearch cho biết vào năm 2016, thị trường thanh toán di động ở Trung Quốc được định giá khoảng 5,5 triệu tỷ USD, gấp gần 50 lần thị trường Mỹ, với 112 tỷ USD.Với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thanh toán điện tử, theo thời gian, những thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Thâm Quyến và nhiều nơi khác ở nước này dần trở thành những khu vực gần như không dùng tiền mặt.
Hiện nay, thanh toán điện tử đã có mặt tại hầu hết mọi ngóc ngách trong cuộc sống của người dân Trung Quốc.Giờ đây, mỗi lần cần thanh toán bất cứ khoản tiền nào, người dân Trung Quốc chỉ cần dùng điện thoại thông minh (smart phone) có tích hợp ví điện tử là có thể thanh toán một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Gần như toàn bộ người dân ở các thành phố lớn của Trung Quốc đều sử dụng smart phone hoặc máy tính bảng có kết nối Internet để thanh toán mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày, từ đi ăn ở nhà hàng, đi chợ hay siêu thị mua đồ cho đến cắt tóc, đi xe bus, taxi, mua vé máy bay…Các quầy hàng, siêu thị, trung tâm thương mại lớn đều sử dụng công cụ thanh toán điện tử, với mã quét QR thông qua các ví điện tử để khách hàng tiện thanh toán.
Chỉ bằng vài thao tác quét mã QR là khách hàng đã hoàn thành một giao dịch thanh toán điện tử. Thanh toán điện tử cũng được sử dụng để tăng cường tiếp cận y tế và giảm thời gian chờ đợi tại các bệnh viện hay phòng khám.Nhiều trường đại học hiện cũng cho phép sinh viên chi trả học phí và sinh hoạt phí thông qua hình thức thanh toán điện tử.
Thậm chí là tại những thành phố lớn, người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những nhạc công đường phố và cả những người… ăn mày cũng sử dụng mã QR để nhận tiền ủng hộ của người đi đường.
Một vài lý do khiến Trung Quốc trở thành quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất và phát triển loại hình thanh toán điện tử mạnh mẽ nhất đó là tại nước này có rất nhiều người (khoảng 12% số người trưởng thành) không tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng, số lượng người sử dụng thẻ tín dụng rất thấp, chỉ khoảng 16% dân số (theo kết quả một cuộc khảo sát vào năm 2014) và thiếu các hệ thống xếp hạng tín nhiệm. Ngoài ra, rất ít người sử dụng dịch vụ séc cá nhân.Những ứng dụng thanh toán điện tử phổ biến
Theo thống kê năm 2020 của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương), số lượng giao dịch thông qua điện thoại di động ở nước này trong năm đã tăng 73,6% so với năm trước đó lên 30,7 tỷ giao dịch. Tính đến tháng 3/2020, đất nước hơn 1,4 tỷ dân có đến 776,8 triệu người sử dụng thanh toán di động.
Với sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán điện tử, các ứng dụng ví điện tử tại Trung Quốc nhanh chóng phát triển và mở rộng phạm vi hoạt động.Danh sách những ví điện tử thông dụng nhất tại Trung Quốc hiện nay gồm có WechatPay, Alipay, Baidu Pay, ApplePay, và Samsung Pay, với số lượng người dùng vô cùng lớn.
Trong số này, hai “gã khổng lồ” Wechat Pay và Alipay đang giữ thị phần chi phối trong lĩnh vực thanh toán điện tử ở Trung Quốc.Số liệu thống kê gần đây cho thấy, ứng dụng Alipay của Tập đoàn Alibaba chiếm 55% thị phần thanh toán di động của Trung Quốc, trong khi WeChat Pay của Tập đoàn Tencent chiếm 39%.
Tổng cộng, hai nền tảng thanh toán điện tử này hiện kiểm soát hơn 90% thị trường thanh toán điện tử Trung Quốc trị giá ước tính khoảng 300.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 47.505 tỷ USD) trong năm 2021.
Một phần nguyên nhân khiến thanh toán điện tử bùng nổ và phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc là do ngành thương mại điện tử phát triển chóng mặt tại nước này.Hoạt động thanh toán trực tuyến cũng thành công nhờ việc sử dụng nhanh chóng và đơn giản mã QR, khi loại mã này xuất hiện ở khắp nơi, tạo thuận lợi cho người dùng.
Khách hàng có thể quét mã QR của người bán thường được dán tại quầy để trả tiền, hoặc khách hàng mở mã QR trên smart phone của mình và người bán quét mã để nhận tiền.
Vài năm gần đây, nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh trắc học và công nghệ di động, việc thanh toán điện tử thông qua nhận dạng khuôn mặt của Alipay cũng trở nên phổ biến.Công cụ này giúp người tiêu dùng có thể đi ra ngoài, mua sắm mà không cần đem theo tiền mặt hay điện thoại di động.
Lợi hại song hành
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) thanh toán điện tử đem lại nhiều hiệu quả hơn khi giúp Chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp cắt giảm tới 75% chi phí so với việc sử dụng tiền mặt.
Thanh toán điện tử cũng giúp nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp không phải đầu tư chi phí quá lớn cho các hoạt động.
Loại hình thanh toán này cũng mang lại nhiều trải nghiệm phong phú, nhanh chóng thuận tiện, giúp tiết kiệm chi phí, đồng thời tránh được rủi ro khi mang theo tiền mặt…
Mặc dù vậy, thanh toán điện tử cũng đặt ra nhiều vấn đề gây quan ngại, đặc biệt là về an ninh tài chính và quyền riêng tư cá nhân. Những quan ngại này khiến các quốc gia đang thúc đẩy thanh toán điện tử cần hết sức lưu ý. Hoạt động thanh toán điện tử cần hợp tác với các nền tảng thanh toán của bên thứ ba và các ngân hàng để cho phép tiền kỹ thuật số lưu thông giữa người dùng, người bán, ngân hàng và các bên thứ ba. Do vậy, việc bổ sung các nền tảng của bên thứ ba làm tăng rủi ro của toàn bộ chuỗi thanh toán.Thông tin cá nhân của người dùng nằm trong phần mềm thanh toán, nếu bên thứ ba vận hành không đảm bảo sẽ có nguy cơ gây rò rỉ thông tin cá nhân.
Một quan ngại khác là sự phát triển nhanh chóng của thanh toán điện tử đang tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực dịch vụ tài chính-ngân hàng.Với số lượng đông đảo người dân sử dụng dịch vụ thuận tiện này, các sản phẩm dịch vụ tài chính-ngân hàng như thẻ tín dụng, các thẻ thanh toán… gần như còn rất ít cơ hội phát triển ở Trung Quốc.
Hiện nay, rất ít người dân nước này sử dụng thẻ tín dụng ở trong nước, còn các ngân hàng thì cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng và phát triển các dịch vụ thanh toán.Ngoài ra, việc người dân để tiền trong các ứng dụng thanh toán không phải ngân hàng khiến các ngân hàng mất đi nguồn vốn cho vay.
Hiện nay, giới chức Trung Quốc đang siết chặt việc quản lý thanh toán điện tử theo hướng quy chuẩn hơn vì sự an toàn của người sử dụng và an ninh tiền tệ. Đây là điều tất yếu phải làm, dù là đối với Trung Quốc hay với bất kỳ quốc gia nào muốn thúc đẩy loại hình thanh toán điện tử. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, thanh toán điện tử rõ ràng đã trở thành xu thế tất yếu của cuộc sống hiện đại, bởi loại hình thanh toán này đem đến rất nhiều tiện lợi và thể hiện sự ưu việt so với việc thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, yếu tố đảm bảo an toàn tài chính cho người sử dụng và an ninh tiền tệ chắc chắn cần phải được các chính phủ đặt lên hàng đầu./.Tin liên quan
-
Tài chính & Ngân hàng
Đồng won lên giá, chi tiêu bằng thẻ ở nước ngoài của người Hàn Quốc tăng vọt
07:25' - 01/03/2022
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) ngày 28/2 cho biết chi tiêu bằng thẻ ở nước ngoài của người Hàn Quốc trong năm 2021 tăng gần 19% giữa bối cảnh đồng nội tệ mạnh lên so với đồng USD.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tiền lương tại Anh dự kiến sẽ tăng mạnh nhất trong gần 10 năm
08:01' - 28/02/2022
Theo kết quả một khảo sát được công bố mới đây, lương nhân viên tại các công ty Anh sẽ ghi nhận mức tăng cao nhất trong chín năm qua trong năm 2022, nhưng mức tăng này vẫn sẽ dưới mức lạm phát.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính & Ngân hàng
Thành lập tổ công tác ngành thuế hỗ trợ trực tiếp các sàn thương mại điện tử
17:25'
Ngành thuế cần thành lập ngay Tổ công tác hỗ trợ cung cấp thông tin từ các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ trực tiếp các sàn thương mại điện tử.
-
Tài chính & Ngân hàng
Vietcombank mở cửa ngoài giờ hành chính phục vụ khách hàng cập nhật sinh trắc học
08:03'
Vietcombank sẽ mở cửa các điểm giao dịch ngoài giờ hành chính từ nay đến hết ngày 15/1/2025 để phục vụ khách hàng cập nhật thông tin sinh trắc học và thông tin giấy tờ tùy thân.
-
Tài chính & Ngân hàng
Nhà đầu tư chuyển sang tiền điện tử, thị trường chứng khoán ảm đạm
07:48' - 23/11/2024
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc đang mất đà vì tình trạng thiếu thanh khoản và sự suy giảm niềm tin của nhà đầu tư đè nặng lên hoạt động giao dịch.
-
Tài chính & Ngân hàng
Đồng USD duy trì sát mức cao nhất trong 13 tháng
15:39' - 22/11/2024
Trong phiên 22/11, đồng USD vẫn ở sát mức cao nhất trong 13 tháng khi các nhà đầu tư đánh giá về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
-
Tài chính & Ngân hàng
Thái Lan lên kế hoạch hoãn thanh toán lãi trong 3 năm với các khoản nợ xấu
09:18' - 22/11/2024
Bộ Tài chính Thái Lan đã ấn định ngày cắt hạn cho các khoản nợ xấu là ngày 31/10/2024, để ngăn chặn các tài khoản mới cố tình vỡ nợ nhằm tham gia chiến dịch.
-
Tài chính & Ngân hàng
Bitcoin nối dài đà tăng, tiến sát ngưỡng 100.000 USD
22:16' - 21/11/2024
Đà tăng của Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi đồng tiền điện tử này đã vượt qua mốc 98.000 USD trong ngày 21/11.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngân hàng trung ương Nga có thể giảm lãi suất vào năm 2025
16:10' - 21/11/2024
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina không loại trừ việc giảm dần lãi suất cơ bản vào năm 2025 nếu lạm phát chậm lại và không có cú sốc mới bên ngoài.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo về bong bóng cổ phiếu AI
08:35' - 21/11/2024
Ngày 20/11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo rằng bong bóng cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát nổ bất ngờ nếu kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư không được đáp ứng.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tỷ giá euro-yen có thể giảm vào cuối năm 2025?
17:50' - 20/11/2024
Tỷ giá giữa đồng euro và yen đang ngày càng được quan tâm do chính sách khác biệt giữa hai khu vực.