Hoạt động đầu tư, thoái vốn góp đến 24.000 tỷ đồng lợi nhuận cho VPBank

10:14' - 28/01/2022
BNEWS Thông tin từ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết ngân hàng mẹ VPBank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt gần 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm 2020.

Trong đó, hoạt động đầu tư và thoái vốn tại công ty con đóng góp 24.000 tỷ đồng lợi nhuận, riêng ghi nhận từ thương vụ chuyển nhượng vốn tại Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit), thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất trong lịch sử lĩnh vực tài chính Việt Nam là 20.352 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng mẹ là gần 14.011 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank trong năm 2021 tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14.580 tỷ đồng, tương đương với 88% kế hoạch.

 

Năm 2021, ngân hàng đã tích cực đồng hành cùng chính sách của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó do đại dịch, giảm gần 1.000 tỷ đồng lãi suất cho hơn 275.000 khách hàng; dành hơn 500 tỷ đồng ủng hộ cho các hoạt động phòng chống COVID-19 của Chính phủ...

Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank đạt gần 548.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323.000 tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm từ 29,2% cuối năm 2020 xuống 24,2% cuối năm 2021. Có nghĩa rằng, năm 2020 để thu về 100 đồng lợi nhuận, VPBank phải chi ra 29,2 đồng, sang năm 2021 số tiền phải chi ra chỉ còn 24,2 đồng.

Bên cạnh đó, ngân hàng đã giảm tỷ trọng cho vay tín chấp và thúc đẩy tích cực xử lý nợ. Các hoạt động này giúp kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,58% và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ chỉ ở mức 1,51%. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong cả năm qua đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 54,5% so với 2020.

Lợi thế từ hoạt động số hóa đã giúp VPBank thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chiếm tới 23% tổng huy động của toàn ngân hàng. Đây là tỷ trọng cao đáng kể và có sự tăng trưởng mạnh nếu so với mức 13,5% trong năm 2019 và 15,8% trong năm 2020.

Vốn chủ sở hữu tăng đã cải thiện đáng kể độ an toàn vốn và củng cố nền tảng vững chắc cho VPBank. Hệ số an toàn vốn theo chuẩn Basel II của VPBank đạt hơn 14,2%, cao hơn nhiều so với mức 11,7% trong năm 2020.

Theo đại diện ngân hàng, lượng vốn lớn giúp VPBank củng cố năng lực tài chính, đảm bảo tốt các chỉ tiêu an toàn hoạt động và có một nền tảng vững chắc để mở rộng các cơ hội kinh doanh ở những phân khúc chiến lược trong năm 2022./.

>>>Hướng dẫn khách vay mua ô tô đăng ký hoán cải, đổi biển số vàng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục