Hội nghị đầu tư phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười theo hướng bền vững

17:14' - 25/11/2017
BNEWS Ngày 25/11, tại thành phố Tân An (tỉnh Long An) diễn ra ''Hội nghị xúc tiến đầu tư, tiêu thụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tiểu vùng Đồng Tháp Mười theo hướng bền vững''.
Xây dựng Đồng Tháp Mười trở thành vùng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Ảnh: Nguyên Lý-TTXVN

Hội nghị do UBND tỉnh Long An phối hợp với tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Tiền Giang và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học và bà con nông dân thuộc 3 tỉnh này.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau tìm hiểu tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Theo đó, đại diện lãnh đạo của 3 tỉnh là Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang, cùng các nhà khoa học đã trình bày thực trạng và định hướng tiêu thụ nông sản; những giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Cụ thể sẽ xây dựng Đồng Tháp Mười trở thành vùng sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo đột phá cho sản xuất nông nghiệp thông qua phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Về phát triển du lịch sinh thái, đây là thế mạnh riêng có của vùng.

Do đó, cần được nâng cao chất lượng và mở rộng, liên kết với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thu hút các nhà đầu tư lớn, tập đoàn có thương hiệu.

Theo Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ), phải thực hiện liên kết ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười, gồm liên kết cải tiến chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trái cây và thủy sản; chương trình liên kết phát triển du lịch sinh thái; chương trình bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; chương trình cấp nước sạch nông thôn và chương trình phát triển cơ sở hạ tầng (điện, thủy lợi, giao thông)... để tạo sự bền vững cho người nông dân trong vùng yên tâm sản xuất và phát triển du lịch sinh thái.

Do đó, phải giải quyết việc quản lý nguồn nước, dự trữ nước, bảo tồn sinh thái để phục vụ phát triển du lịch sinh thái.

Vùng tiểu Đồng Tháp Mười cần phải đa dạng hóa sản phẩm nông sản, từng bước giảm diện tích lúa Thu Đông và duy trì diện tích lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Định hướng phát triển nông nghiệp của tiểu vùng Đồng Tháp Mười phải hướng tới công ngiệp - dịch vụ nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chế biến cho đa dạng phân khúc thị trường nhằm tăng thêm giá trị hơn là chỉ chú trọng vào khâu sản xuất.

Các tỉnh trong vùng phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật thông minh vào sản xuất nông nghiệp để giảm giá thành và quản lý hiệu quả.

Phát triển sản xuất nông nghiệp ở tiểu vùng Đồng Tháp Mười phải hướng tới yếu tố chất lượng, sinh thái môi trường gắn với dịch vụ nông nghiệp...''

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, kiến nghị, cần tập trung đầu tư nâng cấp Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học quốc gia để đủ năng lực nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng.

Đây là vấn đề mà vùng Đồng Tháp Mười đang gặp rất nhiều khó khăn, do không tìm được giống cây trồng, vật nuôi thích ứng, có giá trị gia tăng cao để giúp nông dân phát triển sản xuất.

Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An.

Vấn đề chính là cần tập trung tìm ra giải pháp, nhằm phát triển hài hòa kinh tế - xã hội của 3 tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười; trong đó, việc liên kết phát triển vùng phải theo định hướng thị trường; phát triển liên kết dựa trên nền tảng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp; liên kết trong việc quản lý hiệu quả và sử dụng nguồn tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu... 

Hơn 37 năm qua, các tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang đã làm nên kỳ tích tiến công khai phá vùng Đồng Tháp Mười, biến vùng đất chua phèn, hoang hoá mà nhiều chuyên gia nước ngoài đến đây đều nhận định khó có thể sản xuất nông nghiệp, giờ đây đã trở thành nơi cung cấp lúa gạo, trái cây và nhiều loại thủy sản xuất khẩu đứng đầu cả nước.

Vùng tiểu Đồng Tháp Mười có tổng diện tích gần 697.000ha đất và mặt nước; trong đó, tỉnh Long An có diện tích lớn nhất chiếm gần 50% diện tích của vùng.

Hiện nay, có 350.000ha đang canh tác, chủ yếu là lúa với tổng sản lượng trên 3 triệu tấn/năm, đóng góp 20% lượng gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, hiện nay tiểu vùng Đồng Tháp Mười đang thiếu những giống lúa mới, chất lượng cao và phù hợp thổ nhưỡng.

Cây lúa Đồng Tháp Mười đang trong tình trạng diện tích tăng, sản lượng tăng nhưng hiệu quả sản xuất giảm, nguyên nhân là do việc đẩy mạnh diện tích lúa vụ 3, khó tránh lũ và tránh hạn lẫn mặn xâm nhập.

Khoảng 100.000ha cây ăn trái của vùng này phần lớn đều là giống cũ, tăng diện tích nhanh nhưng không chuyên canh, thu hoạch đồng loạt nên khó tiêu thụ, hiệu quả kinh tế không cao.../.

Xem thêm:

>>>Sẽ có nhiều hỗ trợ việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

>>>Hoàn thiện chính sách hợp tác và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục