Hội nghị GMS6 và CLV10: Tăng cường đối thoại, kết nối các doanh nghiệp

07:59' - 30/03/2018
BNEWS Tại Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước.
Các đại biểu Đoàn Việt Nam trao đổi trước khi diễn ra cuộc họp Nhóm công tác kỹ thuật CLV. Ảnh: TTXVN

Hội nghị thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong (Mê Công) mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị cấp cao hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) được tổ chức từ ngày 29 - 31/3/2018 tại Hà Nội.

Ngày 30/3, Phiên họp toàn thể Đối thoại chính sách của Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS diễn ra với sự tham dự của toàn đoàn các nước thành viên GMS, đoàn Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, ASEAN; lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp các nước và Việt Nam; các đối tác phát triển, khách mời của Việt Nam; đại diện Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội.

Đáng chú ý, tại Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 lần này, Việt Nam lần đầu tiên đưa sáng kiến tổ chức Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS với mục tiêu tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và nhà nước, kết nối các doanh nghiệp trong khu vực và thế giới.

Sáng kiến này nhận được sự đồng thuận của các nước thành viên GMS, sự ủng hộ của các đối tác Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp với quy mô hơn 2000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự.

Điều này thể hiện sự hứng khởi kinh doanh, niềm tin của các doanh nhân, nhà đầu tư vào các chính sách đổi mới, cởi mở, thông thoáng của các Chính phủ và các cơ hội kinh doanh thuận lợi đang mở ra trong khu vực tiểu vùng Mekong, tam giác phát triển Campuchia, Lào, Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh châu Á đang nổi lên là một động lực tăng trưởng của toàn cầu trong thế kỷ 21.

Trong ngày cũng diễn ra các hoạt động: Lễ đón các trưởng đoàn; triển lãm ảnh hợp tác GMS; phiên họp Hội đồng kinh doanh GMS; các phiên họp song song về phát triển và tài chính cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp và công nghệ nông nghiệp, thương mại tiểu vùng GMS và toàn cầu…

Các sáng kiến và hoạt động trong chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng tập trung vào 10 lĩnh vực chính bao gồm: Giao thông vận tải, năng lượng, môi trường, du lịch, thông tin viễn thông, thương mại, đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển đô thị.

Đối với hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng, Việt Nam đã tham gia hợp tác ngay từ giai đoạn đầu, tích cực đóng góp vào hầu hết tất cả các sáng kiến hợp tác của hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng.

Sự tham gia của Việt Nam mang nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần gia tăng liên kết kinh tế khu vực./.

Xem thêm:

>>>Bắt đầu các cuộc họp quan chức cấp cao GMS 6 và CLV 10

>>>Tạo thuận lợi cho lưu thông người và hàng hóa qua biên giới các nước tiểu vùng Mê Công

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục