Hội nghị P4G Việt Nam 2025: Tăng trưởng xanh - xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược

17:19' - 17/04/2025
BNEWS Một trong những kết quả nổi bật nhất trong định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam là trong lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh.

Sáng 17/4, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) Việt Nam 2025 đã diễn ra các Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề: “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu”; “Các giải pháp đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững” và “Bắt nhịp cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững”.

* Mệnh lệnh hành động

Chủ trì phiên thảo luận “Bắt nhịp cách mạng xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực cho kỷ nguyên bền vững”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, chúng ta đang đứng trước những thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học suy giảm nhanh chóng, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đứt gãy do biến động địa chính trị và sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, an ninh lương thực bị đe dọa và khoảng cách phát triển giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, những nhóm dễ bị tổn thương nhất là nông dân nghèo, người tiêu dùng thu nhập thấp, thiên nhiên mong manh, lại đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Bộ trưởng khẳng định, chúng ta không thể giải quyết khủng hoảng khí hậu bằng cách tạo ra khủng hoảng lương thực. Chúng ta không thể bảo vệ môi trường nếu bỏ quên những người nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Và chúng ta không thể đòi hỏi những quốc gia có thu nhập thấp gìn giữ tài nguyên môi trường bền vững, nếu thế giới không chia sẻ công bằng trách nhiệm và lợi ích.

Trong bối cảnh đó, "Cách mạng Xanh 4.0" không đơn thuần là một lựa chọn, mà là một yêu cầu tất yếu, là một mệnh lệnh hành động. Đây là cuộc cách mạng mang theo kỳ vọng đổi mới toàn diện hệ thống lương thực thông qua ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học và các giải pháp đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, Cách mạng Xanh 4.0 không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn giảm tiêu hao tài nguyên, cắt giảm phát thải và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, và qua đó tạo tiền đề nâng cao sinh kế của người nông dân, tăng cường phúc lợi cho người tiêu dùng.

Với ý nghĩa đó, Bộ trưởng nhấn mạnh chủ đề "Bắt nhịp Cách mạng Xanh 4.0: Hành trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm cho kỷ nguyên bền vững" - khẳng định vai trò sống còn của đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh và hợp tác đa bên, hợp tác công - tư trong kiến tạo tương lai bền vững, công bằng cho nhân loại.

Thông tin về tình hình bảo đảm an ninh lương thực gắn với quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp xanh của Việt Nam, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết từ một quốc gia xuất phát điểm thấp, từng phải đối mặt với đói nghèo và khủng hoảng lương thực, Việt Nam ngày nay đã vươn lên trong nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đưa các sản phẩm nông sản có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, với nguồn tài nguyên hạn hẹp, ước tính chỉ có khoảng 10,3 triệu ha đất có thể sử dụng trong nông nghiệp và nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Để giải quyết những thách thức đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang từng bước thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh, thông minh và bền vững, trong đó xác định đổi mới sáng tạo, tập trung thực chất vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, chuyển đổi số là cốt lõi để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp... Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030...

* Cơ hội định hình tương lai phát triển bền vững

Điều hành phiên thảo luận “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với những thách thức, tác động to lớn về biến đổi khí hậu, môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, do đó, chuyển đổi năng lượng không chỉ là một lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết và tất yếu.

Tại Hội nghị COP26 năm 2021 ở Vương quốc Anh, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện thực hóa cam kết này, Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đã, đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển của quốc gia, đồng thời đáp ứng bối cảnh, yêu cầu, xu thế chung của toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, có 3 định hướng quan trọng trong hành trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Việt Nam. Đó là đổi mới sáng tạo - chìa khóa mở cánh cửa và vượt qua những thách thức trong chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững; mô hình đối tác công - tư và hợp tác quốc tế - cầu nối để hai bên Chính phủ và khu vực tư nhân cùng chia sẻ nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và mở rộng quy mô triển khai các giải pháp năng lượng bền vững; lấy con người làm trung tâm - chuyển đổi năng lượng bền vững không chỉ là một cuộc cách mạng về công nghệ, mà còn là một cơ hội để cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo và yếu thế.

Thứ trưởng khẳng định, đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, bền vững không chỉ là mục tiêu mà còn là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam định hình tương lai phát triển bền vững. Bộ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng rằng, Việt Nam và các nước thành viên trong P4G cùng nhiều đối tác trên toàn thế giới hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới mà năng lượng sạch không chỉ là mục tiêu, mà còn là quyền lợi phổ quát, mang đến sự bền vững và hạnh phúc cho các thế hệ mai sau.

Tại phiên thảo luận, các diễn giả trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi về các giải pháp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới nhằm tăng tính hiệu quả và bền vững trong phát triển và sử dụng năng lượng; chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong xây dựng và triển khai lộ trình chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững, cũng như tầm quan trọng của mô hình hợp tác công - tư trong chuyển đổi năng lượng bền vững.

* Phát triển thị trường tài chính xanh

Phát biểu điều hành tại phiên thảo luận “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng, chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm rất cao trong định hướng tăng trưởng xanh thông qua việc tham gia và thực hiện nhiều cam kết quốc tế về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ, một trong những kết quả nổi bật nhất trong định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam là trong lĩnh vực tài chính xanh, tín dụng xanh.

Thứ trưởng cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ 71.000 tỷ đồng vào năm 2015 lên gần 8 lần, đạt 564.000 tỷ đồng năm 2023, chiếm 4,4% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Để các cam kết toàn cầu đạt được các kết quả tích cực, thực chất, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đề nghị các quốc gia cần tham vấn chính sách, phối hợp hành động chặt chẽ hơn nữa trong cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó, sự phối hợp để xây dựng và triển khai chiến lược huy động tài chính cho tăng trưởng xanh phù hợp với cấu trúc của hệ thống tài chính toàn cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong tiến trình đó, việc định vị lại sứ mệnh và vai trò của các định chế tài chính quốc gia trong cấu trúc toàn cầu cần được xác định là giải pháp ưu tiên mang tính đột phá.

Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, các định chế tài chính quốc gia cần được xác định là thể chế trung tâm trong phối hợp liên ngành, liên quốc gia nhằm tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các dự án xanh, bao gồm chính sách ưu đãi và hỗ trợ trực tiếp về tài chính để giúp các dự án này trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung, gồm: Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc phát triển thị trường tài chính xanh; giải pháp khắc phục các rào cản về kỹ thuật, pháp lý và thị trường; chính sách tài chính thu hút đầu tư từ khu vực công và tư nhân.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng, nguồn vốn tài chính cũng quan trọng như nguồn nước. Theo đánh giá của UNCTAD, dòng vốn xanh đang hướng tới các ngành, lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, một số khu vực bị ảnh hưởng bởi khí hậu chưa được tiếp cận nguồn vốn xanh hoặc còn gặp khó trong cấp vốn tài chính.

Bà Rebeca Grynspan cho rằng, P4G chính là cơ hội mang tính lịch sử để có thể thúc đẩy các ngân hàng toàn cầu cấp vốn tài chính, thêm đầu tư cho khu vực tư nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục