Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Vẫn còn chậm trễ trong thực thi chính sách

10:16' - 17/05/2017
BNEWS Với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đã diễn ra sáng ngày 17/5 tại Hà Nội.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh những kết quả đạt được về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cụ thể là đã cắt giảm 24 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; triển khai Chính phủ điện tử trong nhiều thủ tục hành chính như thuế, hải quan, đăng ký doanh nghiệp…

Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí và phòng chống tiêu cực, tham nhũng; đã có 63 tỉnh, thành phố đã ban hành các chương trình hành động; thành lập đường dây nóng, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp theo nhiều mô hình đa dạng.

Ví dụ như hội nghị “Lắng nghe và đổi mới” của Thành phố Hồ Chí Minh; cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), khởi nghiệp - doanh nhân (Kon Tum), bác sỹ doanh nghiệp (Bắc Ninh)…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng ghi nhận kết quả trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng như: các tổ chức tín dụng đã thực hiện cân đối vốn, ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; đồng thời, đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp công nghệ cao…

Ngành tài chính cũng đã thực hiện chủ trương giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; điều chỉnh việc thu phí và giảm các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, ngành công thương đang xây dựng đề án phát triển thị trường trong nước…

Các Bộ: Công an, Lao động Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng và các địa phương đang triển khai tích cực những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 35.

Mặc dù đã ghi nhận được những kết quả tương đối khả quan, song qua khảo sát ý kiến và những phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng khó khăn.

Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các doanh nghiệp trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015.

Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm.

Theo ông Lộc, môi trường kinh doanh chậm cải thiện nói trên một mặt là do sự chậm trễ trong cải cách thể chế, một số quy định bất hợp lý trong các văn bản pháp luật đã không được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Việc thực thi chính sách còn thiếu nhất quán. Chưa kể sự thay đổi chính sách đột ngột, thiếu lộ trình chuyển đổ...

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 17/5, tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Đồng tình với những quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, công tác cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa giải quyết triệt để sự không thống nhất giữa các luật về Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Đất đai, Xây dựng… và dẫn đến vướng mắc trong thực thi.

Thêm nữa, sự liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục khác còn chưa thông suốt, hiệu quả. Vẫn tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, gây khó khăn và gia tăng gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp; quy định và hướng dẫn về thủ tục thuế và hải quan, phân loại mã số hàng hoá xuất nhập khẩu chưa đủ rõ ràng.

Thủ tục cấp chứng nhận trong phòng cháy chữa cháy, đo khí thải, chất thải, bảo vệ môi trường; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên… theo phản ánh còn gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu thêm, ngay như công tác tiếp cận đất đai đang gặp những vấn đề nan giải về thủ tục giải phóng mặt bằng, giá thuê đất cao cùng các thủ tục cấp phép ... Điều đó khiến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn gặp khó khăn để có mặt bằng sản xuất.

Hay như về tiếp cận tín dụng, mặc dù Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại đã có nhiều nỗ lực cải thiện nhưng không khiến các doanh nghiệp bớt khó khăn hơn.

Chỉ có 40% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có khả năng tiếp cận vốn vay từ ngân hàng; doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đăng ký tài sản theo Luật đăng ký giao dịch bảo đảm để có cơ sở mang đi thế chấp vay vốn.

Trong khi đó, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa còn tồn tại rất nhiều vướng mắc nên phần đông các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như không tiếp cận được vốn qua kênh này.

Liên quan tới việc giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Lộc phản ánh, chi phí kinh doanh cơ bản của đa phần doanh nghiệp còn ở mức cao, nhất là chi phí vay vốn, logistic, tiền lương, bảo hiểm, chi phí giao dịch, tuân thủ thủ tục…

Đó là chưa kể các chi phí không chính thức đang là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc thực hiện thanh tra, kiểm tra ở cấp địa phương còn tồn tại hiện tượng chồng chéo, trùng lắp về nội dung giữa các ngành....

Xác nhận những vấn đề từ đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan bộ, ngành chủ quản có liên quan, theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, thời gian qua, chúng ta còn chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh; còn can thiệp sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp; chưa khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thực tế cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới tuy tăng cao nhưng thực chất hiệu quả hoạt động còn rất thấp, chưa tập trung vào sản xuất vật chất, thậm chí chưa đóng góp cho ngân sách Nhà nước.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục