Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thách thức của Canada trên cương vị Chủ tịch

05:30' - 16/05/2018
BNEWS Một trong 5 chủ đề chính mà Canada, trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), đưa ra cho năm 2018 là tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Các Ngoại trưởng Nhóm G7 thảo luận tại một hội nghị ở Toronto, Canada. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây không chỉ là mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra vào ngày 8-9/6 tới tại Charlevoix, thuộc tỉnh Quebec (Canada), mà còn là mục tiêu theo đuổi của Chính phủ Tự do kể từ khi lên nắm quyền đến nay.

Cách tiếp cận của Thủ tướng Canada Justin Trudeau về bình đẳng giới được nhiều nhà hoạt động nữ quyền ca ngợi. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng mục tiêu này sẽ làm tăng gánh nặng cho J. Trudeau. 

Đó là nhận định của nhà báo Catherine Tsalikis, biên tập viên cao cấp của trang OpenCanada.org (tạp chí điện tử của Hội đồng Quốc tế Canada). Trong bài viết đăng trên trang OpenCanada.org, nhà báo Tsalikis cho biết ông Trudeau đã đưa vấn đề bình đẳng giới trở thành ưu tiên hàng đầu của Hội nghị Thượng đỉnh G7 sắp tới. 

Nhằm giúp ông đưa các ý tưởng này trở thành hiện thực, trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1/2018, Thủ tướng Trudeau đã công bố thành lập Hội đồng tư vấn bình đẳng giới đầu tiên của G7.

Hội đồng trên được thành lập gồm những nhân vật quan trọng của Canada và quốc tế là Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Phụ nữ Liên hợp quốc (LHQ) Phumzile Mlambo-Ngcuka, Malala Yousafzai - nhà hoạt động giáo dục người Pakistan đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2014. Hội đồng này được Melinda Gates - người được mệnh danh là “chiến binh kiên cường vì quyền phụ nữ”, đồng thời là đồng Chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates và bà Isabelle Hudon - Đại sứ Canada tại Pháp và Monaco - điều hành.

Trong vòng 4 tháng qua, hội đồng trên hoạt động với nỗ lực cao nhất, tham gia các cuộc họp cấp bộ trưởng và đưa ra khuyến nghị về “các hành động cụ thể cho G7 nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của G7” để giúp Thủ tướng Trudeau tìm kiếm sự đồng thuận để thực hiện ý tưởng của mình tại Hội nghị diễn ra vào tháng 6 tới như cam kết của hội đồng rằng sẽ thuyết phục được các đối tác G7 đưa vào thành một chương trình nghị sự “đầy tham vọng”.

Cuối tháng Tư vừa qua, hội đồng trên đã tổ chức buổi gặp gỡ trực tiếp đầu tiên tại Ottawa thu hút hơn 200 nhà lãnh đạo nữ quyền và các nhà hoạt động quốc tế, thảo luận với Thủ tướng Trudeau những ý tưởng chính mà họ muốn được đưa vào chương trình nghị sự Hội nghị Thượng đỉnh. Phát biểu tai cuộc gặp, bà Mlambo-Ngcuka cho biết cơ hội để gây ảnh hưởng đến cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo G7 tại hội nghị thượng đỉnh là một “giấc mơ trở thành hiện thực”. 

Bà Mlambo-Ngcuka khẳng định: “Nếu chúng ta có thể định hình kết quả bài diễn thuyết của họ theo cách mà từ đó sẽ làm cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay, cứ tiếp tục như vậy. Đó sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử cho toàn thế giới, đặc biệt là phụ nữ, chứ không phải chỉ dành cho các công dân G7”.

Luật sư Nhật Bản Yoko Hayashi - cựu Chủ tịch Ủy ban LHQ về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ - cho rằng vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ sẽ được đưa vào văn kiện cuối cùng của Hội nghị G7, nhưng “việc giám sát các nước G7 có thực hiện ý tưởng hay không” vẫn là vấn đề khó. Việc thúc đẩy quyền phụ nữ đòi hỏi cần nhiều nguồn lực, cả tài chính lẫn nhân lực, từ các chính phủ cũng như các tổ chức xã hội.

Trong khi các thành viên trong hội đồng tỏ ra lạc quan về thành công của ý tưởng này, cũng có nhiều ý kiến lo ngại về những mục tiêu sẽ không được đưa vào các cam kết cụ thể của Thủ tướng Trudeau và các nhà lãnh đạo G7 khác, đặc biệt là do thiếu sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính vì thế, ý tưởng này trở thành thách thức đối với chính ông Trudeau.

Chiến dịch ONE - một tổ chức toàn cầu tập trung vào việc chấm dứt đói nghèo - vừa phát hành một video kêu gọi Thủ tướng Trudeau “đề xuất một kế hoạch táo bạo giúp hàng triệu phụ nữ tăng cường sự độc lập, thoát khỏi phụ thuộc ngay bây giờ”. 

Theo ONE, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ đến nay vẫn chỉ là những lời nói suông, thế giới cần một “kế hoạch với số tiền kèm theo”. Một nhóm 30 tổ chức phi chính phủ đã yêu cầu Thủ tướng Trudeau thúc đẩy một cam kết G7 nhằm cung cấp 1,3 tỷ đôla Canada (tương đương 1,1 tỷ USD) trong vòng 3 năm để phổ cập giáo dục cho hàng triệu phụ nữ nghèo nhất thế giới.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng họ rất hoài nghi về mức độ ảnh hưởng của vấn đề này sẽ tác động đến các nhà lãnh đạo G7. Chính ông Trudeau cũng thừa nhận khó khăn khi nói đến việc thúc đẩy bình đẳng giới trên vũ đài chính trị thế giới. 

Tại Canada, việc Chính phủ Tự do xây dựng một nội các cân bằng giới trong năm 2015 và đưa ra ngân sách dựa trên giới tính vào năm 2018 đã vấp phải rất nhiều sự phản đối. Tuy nhiên, Thủ tướng Trudeau vẫn bày tỏ hy vọng rằng ý tưởng của ông sẽ nhận được sự đồng thuận của các lãnh đạo G7./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục