Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương: Quyết tâm hành động từ cả hệ thống

19:17' - 02/07/2018
BNEWS Các thành viên Chính phủ, đại diện lãnh đạo các địa phương đã nghiêm túc phân tích các khó khăn, thuận lợi để đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 2/7, các thành viên Chính phủ, đại diện lãnh đạo các địa phương đã nghiêm túc phân tích các khó khăn, thuận lợi trong các tháng còn lại của năm, từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để đạt mục tiêu như kế hoạch cả năm, GDP quý III cần đạt 6,53% và quý IV là 6,36%.

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho biết, nền kinh tế nửa cuối năm 2018 sẽ phải đối diện với nhiều thách thức; trong khi nhân tố động lực tăng trưởng chủ yếu nửa cuối 2018 chưa rõ ràng như năm 2017. Cùng đó, căng thẳng chiến tranh thương mại đang có dấu hiệu lan rộng giữa Mỹ và Trung Quốc, EU..., sẽ là vừa là thách thức cũng là cơ hội cho kinh tế Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ hội cho Việt Nam đó là khi không phải là đối tượng của cuộc chiến thương mại, Việt Nam có thể tận dụng để gia tăng xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ. Nhưng thách thức là cần phải nhanh chóng tái cơ cấu thị trường nguyên liệu nhập khẩu để ứng phó với những khó khăn mới, từ đó các các chính sách điều hành kinh tế phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, từ nay đến cuối năm cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành lĩnh vực; trong đó đẩy mạnh phát triển về chất lượng nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của thế giới.

Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; trong đó tập trung hoàn thành sớm các công trình, dự án có ý nghĩa nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế, các dự án trọng điểm như cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, dự án thu phí tự động không dừng...

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ thực hiện tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; trong đó nhấn mạnh đưa ra chính sách để tập trung thu hút các dự án lớn, có chất lượng và dự án xanh, sạch tập trung vào các dự án hạ tầng, năng lượng.

Nói về các dự án trọng điểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết thêm đang triển khai các khâu chuẩn bị dự án đường sắt Bắc-Nam đảm bảo báo cáo Quốc hội năm 2019. Tuy nhiên Bộ trưởng đề nghị, cần có sự phối hợp của các địa phương để dự án triển khai hiệu quả.

Về các kiến nghị của các địa phương liên quan đến ngành giao thông, Bộ trưởng đã ghi nhận và cho biết sẽ giao các cơ quan trực thuộc Bộ để có trả lời sớm tới các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Cho ý kiến về tồn tại trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, thực tế nhiều nơi, nhiều chỗ chưa nghiêm trong kỷ cương ngân sách, vẫn còn hiện tượng chi vượt kế hoạch. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị trong 6 tháng cuối năm cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương ngân sách; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, qua phân tích thị trường, Bộ Công Thương cho rằng với kết quả đạt được từ đầu năm, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% năm 2018 là có khả năng đạt được. Cụ thể, mỗi tháng giá trị xuất khẩu cần đạt khoảng 20 tỷ USD/tháng, điều này là hợp lý với tính chất mùa vụ cũng như các hợp đồng của các ngành hàng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý trọng tâm cuối năm cần phát triển thị trường và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Việc này Bộ Công Thương đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết đã được ban hành", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Đối với điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp vào thị trường ngoại tệ khi cung cầu có vấn đề nhằm kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, tránh những tác động bất ổn vĩ mô.

Ghi nhận việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mặc dù khả năng chống chịu các cú sốc chưa mạnh nhưng như vậy là đáng mừng so với trước đây.

Đánh giá về cải thiện môi trường kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đã có sự cải thiện mạnh hơn nhưng mức độ cải cách chưa đồng đều. Thủ tướng cảnh báo đó là sự thiếu trách nhiệm của một số cán bộ còn ngại trách nhiệm, né tránh trách nhiệm.

“Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, vậy các Bộ ngành đã thực hiện chưa?”, Thủ tướng đặt câu hỏi. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải ban hành danh mục sửa đổi điều kiện kinh doanh thuộc ngành mình trình Chính phủ trước ngày 15/8 một cách rõ ràng dễ hiểu, để từ đó tạo sự quyết tâm hành động xuyên suốt cả hệ thống./.

>>> Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục