Hội nhập CPTPP: Thách thức lớn nhất là doanh nghiệp phải tự đổi mới

11:53' - 02/05/2019
BNEWS Thách thức lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình. Doanh nghiệp cần có tư duy coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường.
 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Sáng 2/5, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức đã diễn ra với các phiên hội thảo, tọa đàm chuyên đề. Trong khuôn khổ Diễn đàn, phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về: “Chủ động khai thác có hiệu quả Hiệp định CPTPP để phát triển bứt phá” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.

Tham dự Hội thảo còn có gần 300 đại biểu đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường, doanh nghiệp, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

*Động lực để doanh nghiệp vượt qua chính mình

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam vừa trải qua ba tháng đầu tiên thực thi CPTPP – Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao, tự do.

Đây là một hiệp định nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. CPTPP là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh nước ta... Dù còn nhiều khó khăn nhưng CPTPP sẽ là động lực, cảm hứng để các doanh nghiệp vượt qua chính mình, hội nhập từ bên trong, cải cách kinh tế Việt Nam sau sự kiện Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo ông Vũ Tiến Lộc, CPTPP mang lại cho các doanh nghiệp Việt nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức khác, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động đón đầu và khai thác những lợi thế để phát triển. CPTPP giúp Việt Nam loại bỏ 65% thuế với các loại hàng hóa từ các nền kinh tế thành viên CPTPP. Điều này có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp sản xuất dịch vụ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng đề cập hai câu chuyện nổi cộm đang cản trở các doanh nghiệp. Đó là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn và khả năng vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, các cơ quan Nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ, đâu đó còn tình trạng tự làm khó mình với hàng xuất khẩu, tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa nhận được thông tin đầy đủ, vẫn loay hoay tự tìm hiểu. Còn nhiều câu chuyện khác như cơ sở yếu kém, thủ tục hành chính cải thiện nhưng chuyển biến còn mờ nhạt...

*Cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Giống như tham gia WTO, tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh minh bạch, bộ máy nhà nước liêm chính, khách quan. Hiệp định thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, phòng chống tham nhũng, quan liêu.

 Đại biểu phát biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

“Nếu các điều kiện khác đều thuận lợi, Hiệp định này giúp Việt Nam có thêm điều kiện thu hút mạnh đầu tư, để thực hiện tiềm năng xuất khẩu, gia tăng hàng xuất khẩu. Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn đầu tư mạnh vào Việt Nam, biến nước ta thành thị trường sản xuất mới của họ, thúc đẩy hiện đại hóa đất nước”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, hội nhập mà hiệu quả thấp hay không thấy hiệu quả là lỗi của bộ máy quản lý; cần thay đổi tư duy quản lý, chính sách theo hướng mở; lấy môi trường kinh doanh công bằng, lấy doanh nghiệp là nguyên khí của quốc gia. “Hội nhập không chỉ đặt hàng hóa, dịch vụ vào môi trường cạnh tranh mà cả bộ máy quản lý cũng cần thay đổi, cần vươn lên để đủ sức điều hành”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.

Ông Trần Quốc Khánh cho biết: Khi CPTPP có hiệu lực, với khu vực doanh nghiệp, các cam kết mở cửa thị trường sẽ lớn hơn, yêu cầu các nền kinh tế giảm thuế nhanh, mạnh cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có nông sản.

Cho rằng sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn, ông Trần Quốc Khánh khẳng định, thách thức lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình. Họ cần có tư duy coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường để từ đó, cạnh tranh cần chuyển từ hướng bị động, phòng ngự, kêu gọi hỗ trợ sang hướng tích cực, chủ động đón nhận.

“Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết. Đây là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP”, ông Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

*Tận dụng cơ hội từ CPTPP

Tham gia Hội thảo, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định: “CPTPP là xương sống của ngành Dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng”. Ông Vũ Đức Giang cho rằng, quy hoạch ngành dệt may hiện đã lỗi thời. Hiệp hội đã kiến nghị rất nhiều tới Bộ Công Thương và Chính phủ trong thời gian qua.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, vai trò của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường là rất quan trọng vì nếu không thống nhất cán cân trong quy hoạch ngành, CPTPP sẽ không mang lại lợi ích. Các giải pháp của Chính phủ, định hướng chiến lược trong tầm nhìn nói chung và các lĩnh vực: dệt may, da giày nói riêng phải đáp ứng yêu cầu về hạ tầng như nước, điện, nguồn lao động, chất lượng lao động...

Chính phủ có vai trò hoạch định chính sách cụ thể, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở. Theo ông Vũ Đức Giang, một số địa phương dị ứng với ngành Dệt may, đặc biệt hóa nhuộm, cho rằng dệt may là ô nhiễm. Do đó, cần có các giải pháp quy hoạch, nền tảng cho sự phát triển của ngành Dệt may Việt Nam"

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra ba kiến nghị. Đó là, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành Dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may, da giày. Bên cạnh đó, cần có sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững.

"Nếu chỉ nói đến lợi ích, không nói đến tồn tại và đưa ra giải pháp, ngành sẽ không có điều kiện bứt phá", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang khẳng định.

Các đại biểu, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp tham gia Hội thảo “Chủ động khai thác có hiệu quả Hiệp định CPTPP để phát triển bứt phá” đã tập trung trao đổi, kiến nghị, đề xuất xung quanh một số nội dung chính như: Giải pháp tận dụng các cơ hội từ CPTPP cho một số ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam; Giảm thiểu thách thức và cạnh tranh, tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp Việt từ CPTPP; Hợp tác công - tư trong bối cảnh hội nhập và thực thi CPTPP.

Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hình thành trên cơ sở Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Mỹ rút khỏi TPP (Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14/1/2019). CPTPP được đánh giá là một Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay.

Các nền kinh tế thành viên CPTPP tạo thành một thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm khoảng 15% tổng thương mại toàn cầu. Tham gia Hiệp định CPTTP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên, thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế./.

>> CPTPP và rủi ro trong giao kết hợp đồng kinh doanh quốc tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục