Hôm nay, chính thức khai trương trục liên thông văn bản quốc gia

11:33' - 12/03/2019
BNEWS Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được khai trương, đánh dấu một bước tiến trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam
Trục liên thông văn bản quốc gia góp phần thực hiện hóa quyết tâm của Chính phủ về xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân". Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều 12/3, Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được khai trương, đánh dấu một bước tiến trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam - một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính nhằm thực hiện hóa quyết tâm của Chính phủ về xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân".

Xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, ngành kinh tế số là ưu tiên và nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ đề ra. Ngay tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề: Phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính là từ những người làm việc tại cơ quan hành chính, thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải minh bạch, công khai công việc?

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử “nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhưng hiệu quả lớn”, một năm trước Văn phòng Chính phủ đã tổ chức các đoàn công tác khảo sát, học tập kinh nghiệm về quản trị hành chính công và xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số tại các quốc gia thành công, có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc như Malayisa, Estonia, Pháp, Hàn Quốc, Nga và tổ chức nhiều hội thảo quốc tế về xây dựng Chính phủ điện tử.

Trên cơ sở đó, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan đã đánh giá tình hình triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian qua, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử phù hợp xu hướng phát triển Chính phủ điện tử của thế giới và tình hình thực tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước ra đời là một trong những bước đi đầu tiên trong quá trình chuyển đổi số giữa các cơ quan hành chính nhà nước để phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, tiến tới Chính phủ phi giấy tờ. Nơi để gửi, nhận, chia sẻ văn bản giữa các cơ quan hành chính nhà nước là Trục liên thông văn bản quốc gia.

Trên cơ sở nền tảng hạ tầng này, tiếp tục cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp bằng việc cải cách, hướng tới người dân, doanh nghiệp không phải đến cơ quan nhà nước, không phải gặp trực tiếp cán bộ, cắt giảm chi phí về thời gian và các chi phí khác.

Thực hiện Quyết định này, từ tháng 8/2018, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) nghiên cứu, lựa chọn công nghệ nền tảng để xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ phân tán ngang hàng, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thử nghiệm kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia trước khi triển khai chính thức trên toàn quốc.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tháng 1/2019 Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cùng VNPT (đơn vị triển khai) tiến hành chuyển đổi hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ mới, thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử với 95 bộ, ngành, địa phương; thực hiện theo dõi, đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản của các bộ, ngành, địa phương sau chuyển đổi. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống đang hoạt động ổn định.

Hiện có 95/95 cơ quan (gồm 31 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng) đã hoàn thành kết nối thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Tính đến ngày 8/3, toàn bộ 95 cơ quan hoàn thành cập nhật mã định danh cơ quan. Từ ngày 19/1 đến ngày 8/3 đã có 12.257 văn bản gửi, 35.360 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó Thanh tra Chính phủ chưa phát sinh gửi văn bản điện tử.

63/95 cơ quan đã chuẩn bị được máy chủ bảo mật dùng riêng, tích hợp chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp (bảo đảm văn bản điện tử gửi, nhận thông qua trục liên thông văn bản quốc gia được thông suốt, an toàn, an ninh), 32/95 cơ quan đang sử dụng máy chủ bảo mật chung do Văn phòng Chính phủ cung cấp. 85/95 cơ quan đã nâng cấp phần mềm, có dữ liệu văn bản phản hồi từ ba trạng thái trở lên, trong đó 42/85 cơ quan đã xử lý văn bản qua từ năm trạng thái trở lên. Duy chỉ có Văn phòng Trung ương Đảng có dữ liệu văn bản nhưng chưa phản hồi trạng thái.

Vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh thông tin văn bản gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia được Văn phòng Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn an ninh đối với hệ thống thiết bị, hệ thống ứng dụng.

Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng nghị định quy định việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin cá nhân, lưu trữ hồ sơ điện tử; giao Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì xây dựng các văn bản liên quan đến tiêu chí hồ sơ điện tử thay thế Nghị định 110/NĐ-CP.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Quyết định 28/2018/QĐ-TTg không hẳn đã “thuận buồm, xuôi gió” khi mà nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa có thói quen xử lý văn bản trên môi trường mạng, dẫn đến phát sinh các trạng thái xử lý văn bản chưa đầy đủ theo quy định. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu chỉnh phần mềm quản lý văn bản và điều hành còn chậm, còn phụ thuộc vào các nhà cung cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành (hiện có 29 đơn vị phát triển phần mềm), nhiều phần mềm đã hết thời gian bảo hành, duy trì, phát triển.

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, sau khi lãnh đạo ký số văn bản, văn thư phải có công cụ ký số để cấp số văn bản, ngày, tháng, năm, song hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn về mặt kỹ thuật nội dung này nên nếu triển khai ký số theo quy trình này thì văn thư sẽ không cấp số văn bản, ngày, tháng năm được. Đây là những vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg.

Cùng với đó, công tác truyền thông, đào tạo để mọi người dân, doanh nghiệp, cán bộ thực thi hiểu về dịch vụ công được cung cấp cũng vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ này ở địa phương được đặt lên vai Văn phòng UBND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông. Ở Trung ương thì Văn phòng Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông là hạt nhân trọng tâm, có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan.

Để tạo áp lực trách nhiệm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, ông sẽ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ nghiên cứu, đưa các chỉ tiêu áp dụng văn bản điện tử, chữ ký số để đánh giá xếp hạng ICT Index, PAR Index trong các cơ quan nhà nước./.

>> Hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục