Hơn 100 giáo viên hợp đồng nhiều tháng chưa được nhận lương

08:06' - 10/01/2018
BNEWS Hơn 100 giáo viên dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) đã 8 tháng liền chưa được trả lương.

Tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên cũng như hoạt động dạy và học.

Hơn 100 giáo viên hợp đồng nhiều tháng chưa được nhận lương. Ảnh minh họa: TTXVN

Nợ lương do hợp đồng sai quy định

Thầy Trần Huy Hiệp là giáo viên hợp đồng tại Trường Tiểu học Thăng Long (phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa). Từ tháng 4/2017 đến nay, thầy Hiệp và nhiều giáo viên diện hợp đồng tại trường vẫn chưa được trả lương. Theo Ban Giám hiệu Nhà trường, nguyên nhân là do vướng một số quy định mới nên các cấp có thẩm quyền chưa đồng ý giải ngân, tiền chưa được đưa về trường nên chưa chi trả.

Còn cô Ngân Thị Huệ, giáo viên hợp đồng tại Trường Tiểu học Thăng Long bày tỏ lo lắng khi có thông tin những giáo viên như cô có thể sẽ bị cắt hợp đồng khi hết hạn vào cuối năm học 2017 – 2018.

Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long cho biết, tình trạng nợ lương kéo dài khiến đời sống các giáo viên hợp đồng gặp rất nhiều khó khăn. Họ đều là những giáo viên trẻ, sống xa nhà. Ban Giám hiệu Nhà trường mong mỏi các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết để các giáo viên sớm được nhận lương.

Theo cô Phùng Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Cúc, xã Đắk R’Moan (thị xã Gia Nghĩa), hiện nay, mỗi tháng các giáo viên Mầm non diện hợp đồng của trường chỉ nhận được 800.000 đồng tiền trực buổi trưa, còn lương 8 tháng qua vẫn chưa được chi trả. Việc nợ lương kéo dài khiến các giáo viên diện hợp đồng gặp khó khăn.

Qua tìm hiểu của phóng viên, ngày 3/3/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã ký công văn số 989/UBND-NC về vấn đề hợp đồng chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị gửi các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã trong tỉnh. Nội dung công văn triển khai ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ tại các cơ quan thuộc bộ, ngành, địa phương (Công văn số 30/VPCP-TCCV ngày 4/1/2017 của Văn phòng Chính phủ).

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Nông yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm các quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý biên chế công chức viên chức; không hợp đồng lao động để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại các cơ quan đơn vị; đối với các trường học, cơ sở y tế mới thành lập, các cơ quan, đơn vị báo cáo về UBND tỉnh để tổng hợp, xin ý kiến Bộ Nội vụ.

Theo ông Nguyễn Tiến Tùng, Trưởng phòng Nội vụ, UBND thị xã Gia Nghĩa, người được Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa ủy quyền trao đổi thông tin với phóng viên: UBND thị xã đã có báo cáo vào ngày 23/3/2017 về tình hình hợp đồng chuyên môn tại các đơn vị trực thuộc. Trong đó, ngành Giáo dục thị xã Gia Nghĩa có 80 giáo viên giảng dạy theo diện hợp đồng. Từ tháng 4/2017 đến hết năm học 2016 – 2017, việc chi trả lương cho số giáo viên này (cùng với các trường hợp lao động hợp đồng khác tại các đơn vị trực thuộc thị xã Gia Nghĩa) bị “tắc” do Chi nhánh Kho bạc Nhà nước không đồng ý giải ngân.

Tuy nhiên, đến đầu năm học 2017 – 2018, UBND thị xã Gia Nghĩa lại tiếp tục ký hợp đồng với 111 giáo viên, tăng 31 trường hợp so với năm học trước đó. Việc ký hợp đồng này chưa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Tiến Tùng thừa nhận việc ký hợp đồng (được triển khai vào tháng 9/2017) là trái so với các quy định mới, đặc biệt là Công văn số 989/UBND-NC ngày 3/3/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông, được ban hành trước đó 6 tháng.

Phòng Nội vụ đã thông tin cho lãnh đạo UBND thị xã Gia Nghĩa về quy định mới này nhưng được chỉ đạo tiếp tục tham mưu để tiến hành ký hợp đồng. Bên cạnh việc ký hợp đồng, UBND thị xã Gia Nghĩa chỉ đạo Phòng Nội vụ và các đơn vị liên quan tiếp tục tham mưu để xin ý kiến của UBND tỉnh và các ngành chức năng để được bổ sung biên chế giáo viên nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa tiến triển.

Số học sinh liên tục tăng

Về việc ký hợp đồng hơn 100 giáo viên trái quy định, lãnh đạo UBND thị xã Gia Nghĩa lý giải rằng đó là việc phải làm vì học sinh tăng liên tục qua từng năm nhưng biên chế giáo viên không được điều chỉnh. Thêm nữa, việc triển khai chương trình phổ cập giáo dục Mầm non, chương trình bán trú đòi hỏi phải tăng giáo viên.

Chẳng hạn, Trường Mầm non Hoa Cúc, xã Đắk R’Moan (thị xã Gia Nghĩa) có 220 học sinh với 7 lớp học nhưng chỉ có 9 biên chế giáo viên. Để đảm bảo tối thiểu mỗi lớp 2 giáo viên theo quy định, Nhà trường đã ký hợp đồng với 5 giáo viên phục vụ công tác giảng dạy.

Trường Tiểu học Thăng Long có hơn 800 học sinh với 24 lớp học nhưng cũng chỉ có 25 biên chế. Để đảm bảo công tác dạy học, Nhà trường phải hợp đồng thêm 9 giáo viên.

Theo UBND thị xã Gia Nghĩa, số biên chế giáo viên thị xã được phân bổ từ năm 2014 vẫn được giữ cố định đến nay. Năm học 2013 – 2014, thị xã Gia Nghĩa có hơn 10.600 học sinh. Đến năm học 2016 – 2017, tổng số học sinh tại Gia Nghĩa là gần 13.000 em, số lớp cũng tăng từ 367 lên 398 ( tăng thêm 31 lớp).

Bên cạnh việc tăng số học sinh, việc thực hiện chương trình phổ cập giáo dục Mầm non và chế độ bán trú đòi hỏi phải tăng giáo viên. Theo UBND thị xã Gia Nghĩa, để đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy học, năm học 2017 – 2018, thị xã phải có thêm hơn 100 giáo viên so với biên chế được phân bổ.

“Năm nào chúng tôi cũng ký hợp đồng với giáo viên để đáp ứng trước mắt nhu cầu dạy học trong thời gian chờ được bổ sung biên chế ngành giáo dục. Quỹ lương được trích từ nguồn của thị xã Gia Nghĩa được dự toán ngay từ đầu năm và việc chi trả được tiến hành theo quy định.

Tuy nhiên, từ tháng 4/2017, tiền để trả lương cho giáo viên không giải ngân được do Kho bạc không đồng ý. Các trường cũng không có nguồn để chi trả cho giáo viên theo diện hợp đồng” - ông Nguyễn Tiến Tùng lý giải thêm.

Ông Nguyễn Công Điều, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Đắk Nông lý giải, việc đơn vị không đồng ý giải ngân để chi trả lương đối với các trường hợp lao động hợp đồng nêu trên là do đã có Công văn chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ (Công văn số 30/VPCP-TCCV ngày 4/1/2017) và Công văn của UBND tỉnh Đắk Nông (Công văn số 989/UBND-NC ngày 3/3/2017).

Cũng theo ông Nguyễn Công Điều, Kho bạc Nhà nước Đắk Nông rất chia sẻ với các khó khăn của UBND thị xã Gia Nghĩa. Tuy nhiên, đơn vị không thể làm trái các quy định của các cấp có thẩm quyền cao hơn.

Cần sớm có giải pháp tháo gỡ

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Tùng, từ thời điểm Kho bạc không đồng ý giải ngân để chi trả lương cho giáo viên theo dạng hợp đồng, Phòng Nội vụ thị xã Gia Nghĩa và các đơn vị liên quan đã tham mưu để UBND thị xã gửi nhiều công văn lên UBND tỉnh và các đơn vị liên quan để tháo gỡ, tiến hành chi trả lương cho giáo viên nhưng đến nay mọi việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Về phương hướng tới đây, UBND thị xã Gia Nghĩa sẽ tiếp tục đề xuất lên UBND tỉnh và các đơn vị liên quan để xin một cơ chế đặc thù hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong lĩnh vực giáo dục, nếu đến hết năm học này mà không xin được cơ chế, ngành Giáo dục phải xem xét việc “dồn” học sinh, sắp xếp lớp lại, hoặc ngừng tổ chức học hai buổi.

Bên cạnh đó là tổ chức dạy thay để đảm bảo việc dạy học. Đây sẽ là những việc làm rất khó khăn và công tác dạy học sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Ông Nguyễn Đức Nguyên, Bí thư Thị ủy Gia Nghĩa cho biết, việc từ tháng 4/2017 đến nay, các giáo viên giảng dạy theo diện hợp đồng chưa được chi trả lương là một thực tế nan giải. Hiện UBND thị xã Gia Nghĩa đã bố trí tiền để chi trả nhưng lại “tắc”, không giải ngân được do vướng một số quy định từ Trung ương đến địa phương. Các ngành chức năng cần chung tay giải quyết tình trạng này càng sớm càng tốt.

Bí thư Thị ủy Gia Nghĩa đề nghị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh thành lập đoàn kiểm tra thực tế ngành Giáo dục của thị xã và sớm có báo cáo sớm lên UBND tỉnh, Bộ Nội vụ để có các giải pháp tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài. Việc để xảy ra tình trạng giáo viên bị nợ lương kéo dài gây tâm lý lo lắng, ảnh hưởng không tốt đến công tác dạy học ở địa phương./.

>>>64 giáo viên mầm non bị chi trả sai chế độ hưu trí

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục