Hơn 20 doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

12:29' - 12/01/2016
BNEWS Ngày 12/1 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tìm hiểu cơ hội hợp tác. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/BNEWS
Tới dự diễn đàn có hơn 20 doanh nghiệpTrung Quốc chủ yếu thuộc các lĩnh vực thương mại, bất động sản, kỹ thuật truyền tải điện, sản xuất và cung ứng cột điện, tài chính, vật liệu xây dựng, nông nghiệp và năng lượng… với mong muốn gặp gỡ các đối tác Việt Nam, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, và các đại lý phân phối sản phẩm. Trước mắt, các doanh nghiệp Trung Quốc muốn trao đổi thông tin thị trường, nhu cầu nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam. 

Khai mạc diễn đàn, ông Phạm Quang Thịnh, Phó trưởng ban Quan hệ quốc tế (VCCI), cho biết từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc 10 năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam về các mặt hàng: máy tính và linh kiện, cao su thiên nhiên, than và gạo. 

Giá trị trao đổi hàng hóa giữa hai bên cũng tăng trưởng nhanh trong suốt nhiều năm qua. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc các mặt hàng chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xơ, sợt dệt các loại; rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn…. và nhập khẩu từ Trung Quốc máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, linh kiện điện tử, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, may mặc, sắt thép, phân bón… 

Ông Zhang Shuai, trưởng đoàn doanh nghiệp Trung Quốc chia sẻ, các doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, với thế mạnh của đội ngũ người tiêu dùng đông đảo, có môi trường kinh doanh thông thoáng và ổn định cũng như lợi thế về sự gần gũi về địa lý. Những yếu tố thuận lợi đó sẽ góp phần gia tăng đầu tư, buôn bán với doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) có hiệu lực sẽ mở ra thị trường rộng lớn, với hơn 600 triệu dân của 10 quốc gia thành viên và là lực hút mạnh mẽ đối với hoạt động giao thương hai chiều giữa Trung Quốc với ASEAN thông qua hoạt động trung chuyển hàng hóa qua Việt Nam… 

Theo ông Phạm Quang Thịnh, đến cuối năm 2015 khu mậu dịch tự do Asean – Trung Quốc đã chính thức được thực hiện liên quan đến 7.000 mặt hàng với thuế quan 0%. Trong thời gian tới khi hiệp định TPP được phê chuẩn hoàn toàn, Việt Nam với lợi thế về vị trí địa lý và cấu trúc kinh tế năng động sẽ là cửa ngõ đi vào thị trường rộng lớn của các nước ASEAN và của thế giới. 

Thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt – Trung đạt gần 60,5 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2014. Trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 45 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2014; Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 15,5 tỷ USD tăng 14,6% so với năm 2014. /. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục