Hơn 22.000 tỷ đồng triển khai các công trình truyền tải điện ở miền Nam

10:53' - 22/01/2021
BNEWS 5 năm qua, SPMB đã khởi công 52 dự án, vượt kế hoạch 3 dự án và đóng điện đưa vào vận hành 64 dự án, với tổng chiều dài đường dây tăng thêm 1.828 km.

Ban Quản lý dự án các công trình Điện miền Nam – SPMB (Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia - EVNNPT) cho biết, 5 năm qua (từ năm 2016 đến hết năm 2020), SPMB đã khởi công 52 dự án, vượt kế hoạch 3 dự án và đóng điện đưa vào vận hành 64 dự án, với tổng chiều dài đường dây tăng thêm 1.828 km, tổng dung lượng các máy biến áp (MBA) tăng thêm là 14.266 MVA.

Tổng giá trị các công trình đưa vào sử dụng đạt 22.020 tỷ đồng; trong đó vốn vay từ các tổ chức và nhà tài trợ nước ngoài hơn 15.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2020, SPMB đã hoàn thành một khối lượng đầu tư khá lớn với giá trị đầu tư thuần đạt hơn 5.137,2 tỷ đồng, tăng 26% so với kế hoạch Tổng công ty giao và cao hơn 37% so với mức thực hiện năm 2019.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của SPMB diễn ra ngày 22/1 tại Tp. Hồ Chí Minh, ông Bùi Quang Thành, Phó Giám đốc Ban cho biết, năm 2020, đầu tư xây dựng của SPMB vẫn tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc kéo dài trong thủ tục chuẩn bị đầu tư, chuyển đổi đất rừng và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến ngành điện nói chung và SPMB nói riêng trong đền bù giải phóng mặt bằng do phải thực hiện cách ly xã hội, không thể triệu tập được các hộ dân để phổ biến kiểm đếm cũng như phối hợp với chính quyền địa phương vận động nhân dân triển khai.

Tiến độ cung cấp vật tu thiết bị nhập ngoại cũng bị đình trệ do các cảng phải đóng cửa, chuyên gia không thể sang.

Các khó khăn này cùng với giai đoạn cuối năm 2020 diễn ra Đại hội Đảng và bầu lại HĐND các cấp nên tại một số địa phương việc bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) hầu như không tiến triển.

Mặc dù khó khăn như vậy, trong năm 2020, SPMB đã khởi công được 16 dự án, vượt 23% so với kế hoạch; trong đó có 13 dự án theo kế hoạch EVNNPT giao và 3 dự án khởi công ngoài kế hoạch để đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu của Tổng công ty.

Trong số các dự án khởi công trong năm có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện như nâng công suất và lắp máy 2 các Trạm biến áp (TBA) 500kV Vĩnh Tân, Di Linh và nâng công suất các TBA 220 kV: Cam Ranh, Phan Rí; Đường dây 500 kV Chơn Thành - Đức Hòa…

Bên cạnh đó, trong năm 2020, SPMB cũng đóng điện được 16 dự án, đạt 88,9% kế hoạch; trong đó có 13 dự án theo kế hoạch Tổng công ty giao và 3 dự án đóng điện ngoài kế hoạch để đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu của Tổng công ty.

Trong số các dự án đóng điện năm 2020 có các dự án có vai trò hết sức quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT), các dự án đảm bảo cung cấp điện như nâng công suất các TBA 500 kV Vĩnh Tân, Di Linh đóng điện sớm hơn 1 năm so với Quyết định phê duyệt dự án đầu tư và sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch EVNNPT giao; các đường dây nhánh rẽ 220kV TBA 500kV Tân Uyên; các TBA 220kV Phan Rí, Tây Ninh 2…

Trong năm qua, SPMB còn lựa chọn nhà thầu cho 218 gói thầu các loại với tổng giá trị trúng thầu 4.271,75 tỷ đồng, với tỷ lệ tiết kiệm 10,04% so với tổng giá trị gói thầu.

Hình thức lựa chọn nhà thầu rộng rãi qua mạng được SPMB thực hiện với tỷ lệ tuyệt đối 100% trên tổng số gói thầu đấu thầu rộng rãi.

Theo đánh của ông Bùi Quang Thành, mặc dù chưa hoàn thành đóng điện 100% các dự án theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên với khối lượng đầu tư xây dựng thực hiện và các dự án trọng điểm đã được hoàn thành trong năm 2020, đây là sự cố gắng rất lớn của SPMB để góp phần cùng EVNNPT đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đối với nhiệm vụ đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT cũng như đảm bảo cung ứng điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội như Thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng đúng theo chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty.

Riêng 2 dự án đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa và Trạm 500kV Đức Hòa, các đường dây đấu nối tuy chưa kịp đóng điện trong năm 2020 nhưng SPMB đã tập trung hoàn thành với khối lượng gần 99% và sẽ đóng điện ngay trong tháng 1 âm lịch tới.

Như vậy trong năm 5 năm qua, với khối lượng đầu tư trên, lưới điện 500kV đã góp phần nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện của hệ thống truyền tải điện như: các TBA 500kV Tân Uyên, Mỹ Tho, nâng công suất và lắp máy 2 các TBA Cầu Bông, Tân Định; các đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho, Sông Mây - Tân Uyên, Vĩnh Tân rẽ Sông Mây - Tân Uyên..., qua đó góp phần để EVNNPT hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh phía Nam, đặc biệt là đảm bảo cấp điện cho Tp. Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Cùng với đó, lưới điện 220kV cũng được đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành đảm bảo yêu cầu của EVNNPT, đặc biệt là các dự án phục vụ cung cấp điện cho Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như các trạm biến áp 220kV Tân Uyên; các đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân, đường dây 220kV nhánh rẽ sau TBA 500kV Tân Uyên; các dự án nâng công suất các trạm biến áp và đường dây 220kV, đáp ứng kịp thời nhu cầu cung cấp điện cho phát triển phụ tải và giải quyết tình trạng quá tải tại các địa phương.

Trong giai đoạn này, SPMB đã hoàn thành đóng điện 4 TBA 500kV (Duyên Hải, Mỹ Tho, Tân Uyên, MBA thứ 2 trạm 500kV Cầu Bông), 5 đường dây 500kV (Vĩnh Tân- rẽ Sông Mây-Tân Uyên, Sông Mây-Tân Uyên, Long Phú - Ô Môn, Sông Hậu - Đức Hòa giai đoạn 1, Duyên Hải - Mỹ Tho), 10 TBA 220kV (Hàm Tân, Đức Trọng, Phan Rí, Cần Thơ, Bến Cát, Tây Ninh, Đức Hòa, Mỹ Xuân, Thuận An, Trà Vinh, Mỏ Cày, Uyên Hưng, Xuân Lộc), 10 công trình đường dây 220kV (Cầu Bông - Đức Hòa, Tân Định-Uyên Hưng, Trảng Bàng -Tây Ninh, Cầu Bông-Hóc Môn - rẽ Bình Tân, Bến Tre - Mỏ Cày, Duyên Hải - Mỏ Cày, Long Phú-Sóc Trăng, Cầu Bông -Đức Hòa, Long Phú - Cần Thơ - Trà Nóc, Cao Lãnh - Thốt Nốt).

​Cùng với đó là các dự án phục vụ giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Nam Trung bộ. Các công trình nhằm mục tiêu đảm bảo tiêu chí N-1 như: đường dây 4 mạch Cầu Bông - Hóc Môn - rẽ Bình Tân - Phú Lâm, nâng công suất Trạm Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Tân Thành, Trà Vinh, Cà Mau, Đức Hòa, Uyên Hưng.

Giám đốc SPMB, ông Trương Hữu Thành cho biết, tất cả các công trình lưới điện đấu nối với các nguồn điện do SPMB quản lý đã đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ phát điện, qua đó phát huy tối đa hiệu quả vận hành của các nhà máy điện, như lưới điện đồng bộ các nhà máy điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu, Long Phú.

Đặc biệt đơn vị đã hoàn thành đưa vào vận hành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn NLTT như nâng công suất các TBA 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; các TBA 220kV Phan Rí.

“Nhiều công trình trọng điểm của lưới điện miền Nam được khởi công, đóng điện đúng và vượt trước tiến độ phát điện như lưới điện đồng bộ các nhà máy điện: Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu, Long Phú, các nguồn năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận....

Các dự án đầu tư xây dựng do SPMB quản lý góp phần rất lớn vào việc phát triển nhanh lưới điện truyền tải Quốc gia về cả quy mô và chất lượng; hướng đến mục tiêu đảm bảo tiêu chí N-1; Tăng độ tin cậy cho lưới điện; Giảm tổn thất; Giảm sự cố lưới điện”, Giám đốc SPMB nói.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của ông Trương Hữu Thành, nguyên nhân chủ yếu số dự án đóng điện năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 chưa đạt so với kế hoạch là do khó khăn trong thỏa thuận với chính quyền địa phương về địa điểm trạm và tuyến đường dây dẫn đến thời gian lập dự án đầu tư bị kéo dài.

Cùng với việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Điện VII điều chỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; Thủ tục trình tự và thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư bị kéo dài, thì ông Thành cho rằng chất lượng công tác tư vấn, từ khâu khảo sát đến khâu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công chưa cao, vẫn còn hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần.

Trong khi đó, Ban cũng chưa thực sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, đôn đốc các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị, chưa quyết liệt trong việc xử phạt các nhà thầu vi phạm hợp đồng.

Việc bố trí cắt điện phục vụ thi công cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án.

Đáng chú ý, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án cực kỳ khó khăn, phức tạp do người dân chưa đồng thuận giá bồi thường của chính quyền địa phương....

Điển hình như các dự án đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa (khởi công từ ngày 29/12/2016, đến nay đã hơn 4 năm), Trạm 500kV Đức Hòa và các đường dây đấu nối (khởi công từ ngày 28/3/2017), đường dây 500kV Sông Hậu – Đức Hòa (khởi công từ ngày 26/9/2019), TBA 500kV Tân Uyên và đường dây đấu nối (có đoạn cáp ngầm đi qua đất tín ngưỡng, tôn giáo, đã khởi công từ 29/7/2016), Trạm 220kVCam Ranh (toàn bộ cấp ủy và bộ máy chính quyền bị thay đổi do liên quan đến đất đai), Trạm 220kV Bến Lức (các hộ tại địa phương có khu công nghiệp Nhật Chánh đã hơn 10 năm chưa giao xong mặt bằng).

Đáng chú ý, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án cực kỳ khó khăn, phức tạp do người dân chưa đồng thuận giá bồi thường của chính quyền địa phương....

Điển hình như các dự án đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa (khởi công từ ngày 29/12/2016, đến nay đã hơn 4 năm), Trạm 500kV Đức Hòa và các đường dây đấu nối (khởi công từ ngày 28/3/2017), đường dây 500kV Sông Hậu – Đức Hòa (khởi công từ ngày 26/9/2019), Trạm biến áp (TBA) 500kV Tân Uyên và đường dây đấu nối (có đoạn cáp ngầm đi qua đất tín ngưỡng, tôn giáo, đã khởi công từ 29/7/2016), Trạm 220kVCam Ranh (toàn bộ cấp ủy và bộ máy chính quyền bị thay đổi do liên quan đến đất đai), Trạm 220kV Bến Lức (các hộ tại địa phương có khu công nghiệp Nhật Chánh đã hơn 10 năm chưa giao xong mặt bằng)./.

           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục