Hong Kong (Trung Quốc) công bố “Dự toán ngân sách”

15:10' - 24/02/2021
BNEWS Sáng 24/2, Cục trưởng Cục Tài chính Hong Kong (Trung Quốc) Trần Mậu Ba đã công bố “Dự toán ngân sách” mới nhất.

Khi đánh giá môi trường kinh tế năm 2020, Cục trưởng Trần Mậu Ba nhấn mạnh nền kinh tế Hong Kong giảm 9% trong 6 tháng đầu năm 2020, cải thiện đáng kể trong quý III/2020, nhưng lại bị dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối quý IV/2020.

Tính chung cả năm 2020, kinh tế Hong Kong giảm 6,1%, mức giảm tính theo năm lớn nhất kể từ khi có số liệu thống kê, đồng thời cũng lần đầu tiên ghi nhận nền kinh tế Hong Kong tăng trưởng âm hai năm liên tiếp.

Dự kiến, kinh tế Hong Kong sẽ phục hồi tăng trưởng dương trong năm 2021. Xét đến diễn biến tình hình mới nhất bên trong và bên ngoài, cũng như tác dụng thúc đẩy của các biện pháp tài khóa, dự kiến kinh tế Hong Kong sẽ tăng từ 3,5-5,5% trong năm nay.

Dịch bệnh làm nhu cầu bên ngoài sụt giảm, xuất khẩu hàng hóa của Hong Kong giảm 9,7% trong quý I/2020.

Sau đó, khi tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc đại lục được kiểm soát, kinh tế bật tăng trở lại và các nền kinh tế chủ chốt cũng dần phục hồi đã giúp hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Hong Kong lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm, nhưng cả năm 2020 vẫn giảm nhẹ 0,3%.

Thị trường lao động cũng xấu đi nghiêm trọng do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp sau khi điều chỉnh theo mùa vụ đã tăng từ 3,3% trong quý IV/2020 lên mức 7%, cao nhất trong gần 17 năm trở lại đây.

Các ngành hàng liên quan đến tiêu dùng và du lịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp tổng hợp của ngành bán lẻ, lưu trú, dịch vụ ăn uống lên đến 11,3%, trong đó riêng tỷ lệ thất nghiệp của ngành dịch vụ ăn uống là 14,7%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của ngành xây dựng cũng đạt mức 2 con số. Thu nhập của các hộ gia đình giảm mạnh trong năm.

Về lạm phát, dự báo áp lực giá bên ngoài vẫn ở mức vừa phải. Sau hai năm liên tục tăng trưởng âm, nhìn chung các hoạt động kinh tế của năm nay vẫn thấp hơn mức trước khi suy thoái nên sẽ không tạo ra áp lực đáng kể về giá cả. Dự báo, lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản của năm 2021 lần lượt là 1,6% và 1%.

Theo Cục trưởng Trần Mậu Ba, về trung hạn Hong Kong sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc kinh tế Trung Quốc đại lục tiếp tục phát triển và xu hướng lớn trọng tâm kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch từ Tây sang Đông, triển vọng kinh tế tích cực.

Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục cải thiện trong thời kỳ “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14”, và việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng sẽ tăng cường thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.

Hong Kong sẽ dựa vào ưu thế “một nước, hai chế độ” để phát huy vai trò cửa ngõ và trung chuyển độc đáo của mình, hội nhập sâu vào cục diện phát triển mới của đất nước, tích cực tham gia vào chiến lược phát triển tuần hoàn kép của Trung Quốc, nắm chắc cơ hội mang lại từ sự phát triển của Vùng vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau và sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ có thể mở ra không gian phát triển rộng hơn cho Hong Kong.

Mặt khác, chính quyền sẽ nỗ lực xử lý những nút thắt về đất đai và nhân tài, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đầu tư cho giáo dục và bồi dưỡng nhân tài, đồng thời tăng cường kết nối với thế giới.

Xét đến các nhân tố nói trên và sau khi nền kinh tế cơ bản phục hồi vào đầu năm nay, dự báo giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế Hong Kong sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 3,3%/năm, trong khi tỷ lệ lạm phát cơ bản trung bình sẽ ở mức 2%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục