Hongqi - Thương hiệu xe sang quốc dân của Trung Quốc

10:28' - 29/01/2022
BNEWS Được mệnh danh là "Rolls-Royce" của Trung Quốc, Hongqi là minh chứng cho việc Trung Quốc cũng có thể chế tạo ra những chiếc xe đáng mơ ước.

Sự kiện ra mắt bộ đôi Hongqi H9 và Hongqi E HS9 vừa qua đã gây “bão” trên các diễn đàn xe hơi. Trong đó, Hongqi E HS9 được cho là mẫu xe sẽ cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe điện của VinFast bởi ngoại hình "cực phẩm", được trang bị hàng loạt công nghệ hiện đại.

Mặc dù tại Việt Nam, cái tên Hongqi còn khá mới lạ nhưng đây lại là một biểu tượng của ngành ôtô siêu sang xứ tỷ dân.

* Tuổi đời “đáng gờm”

Hongqi có lịch sử gắn liền với các hoạt động của Chính phủ và đất nước Trung Quốc. Các mẫu xe của hãng này thường được sử dụng để chuyên chở các quan chức cấp cao và ngôi sao của nước này. Trong đó, Hongqi L5 là mẫu xe nổi tiếng nhất bởi đây là chiếc xe chuyên chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Với tuổi đời 64 năm, Hongqi đã cho thấy bản lĩnh không hề thua kém bất kỳ nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nào của Nhật Bản hay Hàn Quốc. 

Năm 1958, thương hiệu Hongqi chính thức ra mắt và thuộc sở hữu của Nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc FAW. Các mẫu xe của Hongqi thường hướng tới phân khúc xe sang và siêu sang, với kỹ thuật chế tạo và công nghệ hiện đại nhất trong ngành công nghiệp ô tô.

Năm 1959, Hongqi CA72 là sản phầm đầu tiên của thương hiệu này, đồng thời cũng là chiếc xe chiếc sedan cỡ lớn đầu tiên được sản xuất tại Trung Quốc. Được sản xuất trong vòng 7 năm từ 1958-1965, CA72 chỉ dành cho các cơ quan nhà nước và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thường được sử dụng trong các sự kiện lớn của đất nước này.

So với những chiếc sedan khác, chiếc sedan Hongqi CA72 có đặc điểm dân tộc mạnh mẽ khi được thiết kế lưới tản nhiệt phía trước hình cánh quạt và hình tròn. Đèn pha và toàn bộ xe thiết kế rất trang trọng và thanh lịch.

Tuy nhiên, thời bấy giờ, công nghệ sản xuất ô tô của Trung Quốc vẫn còn non nớt nên chất lượng của chiếc CA72 vẫn cần phải cải thiện nhiều.

Mặc dù là chiếc xe “tiên phong” trong ngành sản xuất ô tô Trung Quốc nhưng thực tế không có nhiều thông tin về CA72. Có ý kiến cho rằng, thiết kế của mẫu sedan này có lẽ được truyền cảm hứng từ chiếc xe Simca Vedette của Pháp và mượn động cơ V6 từ hãng Mercedes-Benz.

Đến năm 1965, mẫu sedan 3 hàng ghế Hongqi CA770 đã được sản xuất thử nghiệm thành công, được mệnh danh là “ô tô quốc dân”, “ô tô đầu tiên ở Trung Quốc”, được các lãnh đạo nhà nước và khách nước ngoài biết đến. Mẫu xe này được sản xuất hàng loạt trong những năm 1960 và 1970 với hai cấu hình khác nhau của các mô hình phụ, đó là CA770A và CA770B.

Năm 1969, mẫu xe an ninh của Hongqi đầu tiên được sản xuất thử nghiệm thành công trong vòng 3 năm, hãng cũng cho ra mắt xe an ninh chống đạn đặc biệt có tên Hongqi CA772.

Trong những năm tiếp theo, Hongqi bước vào giai đoạn phát triển nhanh chóng. Mãi cho đến năm 1981, thương hiệu xe Hongqi đã bị ngừng sản xuất do các vấn đề như tiêu thụ nhiên liệu cao và chất lượng kém.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là FAW không còn phát triển ô tô nữa. Thực tế, sau khi tạm ngừng sản xuất, FAW cũng nhận ra vấn đề của thương hiệu xe Hongqi và bắt đầu nghiên cứu công nghệ ô tô của nước ngoài, tức là đi con đường du nhập trước rồi mới phát triển. Năm 1982, FAW đã cho ra mắt mẫu xe sedan CA750 dựa trên bản mẫu Nissan 280C. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề khác nhau, không có mẫu xe Hongqi nào được phát triển trong thời kỳ này được sản xuất hàng loạt.

Cho đến năm 1996, Hongqi cho ra mắt CA7220 nhưng vẫn bị giới hạn về công nghệ. Hầu hết các công nghệ của chiếc xe này đến từ Chrysler, được sửa đổi như Audi100 và sau đó đã được thay thế. Logo xe hơi của Hongqi đã được bán sau đó và trở thành một khởi đầu thuận lợi cho Hongqi.

Kể từ đó, các mẫu xe Hongqi H7 và H5 phổ biến lần lượt được ra mắt, song vào thời điểm đó những chiếc xe này vẫn đang đi trên tuyến đường của xe buýt chính phủ và chưa lọt vào tầm ngắm của người dân.

Năm 2018, Hongqi H5 chính thức được ra mắt tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh với mức giá niêm yết từ 149.800 - 195.800 nhân dân tệ. Với thay đổi về giá trị xe, thương hiệu xe này đã đến gần hơn với công chúng.

Đến nay, giá trị thương hiệu Hongqi đã đạt ngưỡng 14,2 tỷ USD với sản lượng 4 triệu xe ô tô hàng năm, hoạt động kinh doanh bao phủ 78 quốc gia trên thế giới. 

* "Rolls-Royce" phiên bản made in China

Được mệnh danh là "Rolls-Royce" của Trung Quốc, Hongqi có một vị trí đặc biệt trong tâm trí người dân nước này. Có thể nói, hãng xe này là minh chứng cho việc Trung Quốc cũng có thể chế tạo ra những chiếc xe đáng mơ ước.

Hongqi lấy các mẫu xe sang như Rolls-Royce, Maybach, Range Rover… làm đối tượng mục tiêu. Dĩ nhiên Hongqi sẽ cạnh tranh bằng giá cực thấp, chất liệu thiết kế cao cấp và nhóm khách hàng “nhà giàu” muốn có trải nghiệm mới.

Trong định hướng phát triển Hongqi thành một hãng xe cao cấp cách đây vài năm, Tập đoàn ôtô FAW Group đã chiêu mộ ông Giles Taylor giữ chức vụ Phó Chủ tịch toàn cầu về Thiết kế, kiêm Giám đốc sáng tạo vào năm 2018.

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 6/2018, ông Giles Taylors từng là Giám đốc thiết kế của Rolls-Royce. Ông chỉ đạo việc thiết kế hầu hết các mẫu xe mới quan trọng nhất của hãng như Dawn phiên bản mui trần, Phantom thế hệ mới và Cullinan SUV.

Trước đó, ông Giles Taylors cũng có 13 năm gắn bó với Jaguar ở cương vị Thiết kế trưởng cho mẫu XJ và XK ra mắt năm 2005.

Dưới thời của ông Giles Taylors, Hongqi mở đầu với Hongqi E115 Concept ra mắt ở Frankfurt Motor Show 2019. Mẫu SUV lý tưởng của hãng xe Trung Quốc bước đầu cho thấy tầm ảnh hưởng của ô tô châu Âu với kiểu dáng bệ vệ, kết hợp cùng các điểm nhấn mang hơi hướm xe sang như đèn chiếu sáng thanh mảnh, đèn hậu LED trải dài ở phần đuôi, mặt calăng to bản, lazăng đa chấu kiểu cánh quạt…

Đến năm 2020, Hongqi H9 được giới thiệu và ngay lập tức được so sánh với các dòng sedan siêu sang của Rolls-Royce với lưới tản nhiệt cỡ lớn viền kim loại. Tiếp đó, biến thể trục cơ sở kéo dài H9+ trưng bày ở Triển lãm Ôtô Bắc Kinh còn "vay mượn" kiểu phối 2 màu ngoại thất thường thấy trên Mercedes-Maybach.

Cũng tại sự kiện này, chiếc SUV điện Hongqi E-HS9 cũng trở thành tâm điểm chú ý khi xuất hiện như một bản sao của Rolls-Royce Cullinan. Thực tế, E-HS9 là bản thương mại của mẫu concept E115 và nhận xét Hongqi mô phỏng thiết kế từ chiếc SUV siêu sang Anh quốc tiếp tục được nhắc lại vào thời điểm đó.

Bên cạnh việc học hỏi ngoại hình từ xe Rolls-Royce, Hongqi còn khiến người xem cảm thấy bối rối với nội thất pha trộn từ nhiều thương hiệu khác. Chẳng hạn vô lăng và bảng điều khiển trung tâm hao hao xe Porsche, cần số điện tử tương tự xe Audi, nút chỉnh điều hòa giống xe Range Rover...

Cuộc chuyển nhượng nhân sự vào năm 2018 có thể là lời giải cho việc các sản phẩm trong vài năm qua của Hongqi thường được nhắc đến là bản sao của Rolls-Royce.

* Đối thủ phân khúc xe điện với Vinfast

Giống như hầu hết các thương hiệu ô tô khác trên thế giới, Hongqi đã và đang mở rộng sang cả thị trường xe điện (EV) và SUV hạng sang. Ngày nay, thương hiện này hiện đang cung cấp tổng cộng 12 mẫu xe thuộc các phân khúc khác nhau.

Với "gia thế" khủng như kể trên, chắc chắn rằng, Hongqi chính là một trong những đối thủ nặng ký nhất của VinFast tại Việt Nam, bởi hãng xe này cũng vừa cho ra mắt một mẫu xe thuần điện mang tên Hongqi E HS9.

Mức giá này được cho là khá cạnh tranh với các mẫu xe cùng phân khúc, bởi từ ngoại thất đến nội thất, Hongqi E HS9 đều được đánh giá là "ngang ngửa" các mẫu xe siêu sang như Roll-Royce hay Bently hay Mercedes-Benz.

Vào đầu tháng 1 này, mẫu xe cùng phân khúc với Hongqi E-HS9 là VinFast VF 9 được mở đặt hàng và dự kiến bàn giao xe trong năm nay. So với đối thủ Trung Quốc, mẫu SUV điện đầu bảng của VinFast có giá bán dễ chịu hơn đáng kể.

Điểm khác biệt chính giữa Hongqi và VinFast là hãng xe Việt Nam không tính giá pin vào giá thành sản phẩm và áp dụng gói thuê pin hàng tháng, trong khi nhà sản xuất Trung Quốc “mua đứt bán đoạn” sản phẩm cho khách hàng.

Hongqi E HS9 sở hữu ngoại hình đẹp, công nghệ hiện đại sẽ là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với xe điện của VinFast. Mặc dù vậy, trạm sạc điện và chính sách về pin cũng là những điểm mà người dùng băn khoăn với cả 2 nhà sản xuất này.

Bên cạnh đó, nhược điểm của Hongqi chính là lòng tin với các thương hiệu xứ Trung vốn chưa được nhiều ưa chuộng tại Việt Nam bằng các thương hiệu xe tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ hay Châu Âu. Vì vậy, khả năng Hongqi bứt phá và đạt tại thị trường Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục