Họp báo Chính phủ: Tập trung 9 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

19:20' - 03/08/2022
BNEWS Chiều 3/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông báo nội dung các thành viên Chính phủ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19.


 
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tinh thần chung là phải hết sức bình tĩnh, chủ động linh hoạt đề ra các chính sách khả thi gắn liền với phát huy tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể.
Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung 9 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện trong thời gian tới; trong đó, với lĩnh vực kinh tế có một số giải pháp như: các bộ ngành tiếp tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Cùng đó, tập trung thực hiện tốt chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các đơn vị đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài….
Nhận định về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, các thành viên Chính phủ thống nhất tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục khởi sắc, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế phục hồi và phát triển mạnh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, củng cố và tăng cường niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát trong bối cảnh chịu nhiều sức ép. Thu ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp tiếp đà phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đã phục hồi, mở rộng sản xuất. Chỉ số IIP tháng 7 tăng 1,6% so tháng trước, tăng 11,2% so với cùng kỳ và 7 tháng tăng 8,8% (trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%); 61/63 tỉnh, thành phố có chỉ số công nghiệp 7 tháng tăng. Như vậy, IIP tăng ở mức cao trong 6 tháng liên tiếp.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định. Lĩnh vực thủy sản tăng trưởng tích cực, sản lượng 7 tháng tăng 2,4%.
Thương mại, dịch vụ sôi động, phục hồi nhanh ở tất cả các ngành: Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 7 tháng tăng 16%, đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng (so với cùng kỳ các năm 2018, 2019 tăng lần lượt 15%, 27,6%). Khách quốc tế 7 tháng đạt gần 1 triệu lượt (gấp 10 lần cùng kỳ). Xuất nhập khẩu 7 tháng đạt gần 432 tỷ USD (tăng 14,8%), xuất siêu 764 triệu USD.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, 14/17 văn bản đã được ban hành, cơ bản tạo khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn để sớm đưa các chính sách vào thực tiễn; nhiều nội dung lần đầu tiên triển khai nhưng đã được nhanh chóng xây dựng, đánh giá tác động và ban hành theo đúng quy định. Việc giải ngân các chính sách thuộc Chương trình đạt kết quả tốt, thống kê sơ bộ đạt khoảng 48 nghìn tỷ/301 nghìn tỷ đồng…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục