Họp báo Chính phủ: Thay thế xăng RON92 bằng xăng sinh học E5 là không chính xác

21:00' - 29/11/2016
BNEWS Ngày 29/11, trả lời câu hỏi về thông tin năm 2017 sẽ thay xăng RON92 bằng xăng sinh học E5, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết thông tin này là không chính xác.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng (người đứng) tại một cuộc họp báo của Chính phủ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 29/11, thông tin về xử lý những vi phạm của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) trong việc công bố kết quả khảo sát kiểm nghiệm nước mắm truyền thống với nhiều mẫu nhiễm thạch tín, gây hoang mang dư luận, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đã tiến hành thanh kiểm tra, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả khảo sát nước mắm của VINASTAS không tin cậy và minh bạch do không xây dựng Đề án và Kế hoạch khảo sát rõ ràng; việc khảo sát chủ yếu do Chủ tịch Hội và một số cá nhân thực hiện; nhiều khâu không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giám sát; quá trình lấy mẫu thiếu tin cậy, không đúng quy định; việc khảo sát được thực hiện dưới sự tài trợ của Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy, không đảm bảo tính độc lập theo quy định. 

Việc VINASTAS công bố thông tin sai về chất lượng nước mắm có dấu hiệu vi phạm quy định tại Khoản 12 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm (đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh) và Khoản 6 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác), Thứ trưởng Vượng cho hay. 

Ngày 29/11, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Công Thương khẩn trương chỉ đạo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cải chính thông tin mà Hội đã công bố về chất lượng nước mắm; tổ chức kiểm điểm làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật.

 

Bộ Nội vụ tổ chức kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại trong tổ chức và hoạt động của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam; chủ trì nghiên cứu làm rõ tư cách pháp lý của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xử lý nghiêm các vi phạm của Hội này theo quy định. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí có sai phạm xử lý nghiêm các cá nhân trong việc đưa thông tin thiếu trung thực, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. 50 cơ quan báo chí đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng. 

* Thay thế xăng RON92 bằng xăng sinh học E5 là không chính xác

Về vấn đề thời gian gần đây có thông tin năm 2017 sẽ thay xăng RON92 bằng xăng sinh học E5, Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thông tin này là không chính xác. Do trước đây, giá xăng cao, trước yêu cầu bảo vệ môi trường, Chính phủ đã có yêu cầu từng bước đưa xăng E5, E10 vào sử dụng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá xăng giảm đột ngột, vì nguyên nhân khách quan nên việc sản xuất và tiêu thụ xăng E5, E10 gặp khó khăn. Hiện ở Việt Nam có 4 nhà máy sản xuất xăng nhiên liệu sinh học, nhưng chỉ còn nhà máy Tùng Lâm hoạt động, 3 nhà máy còn lại, nơi không sản xuất, nơi đầu tư chưa xong phải dừng lại. 

“Đến giờ chưa có quyết định nào về việc thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5, các thông tin tháng 6 thay thế xăng RON92 bằng xăng E5 là không chính xác”, Thứ trưởng khẳng định. Để sản xuất xăng nhiên liệu sinh học quy mô lớn là rất khó khăn bởi trong nước không có nguồn nguyên liệu lớn, năng suất không cao; cần phải đánh giá toàn diện việc sản xuất xăng sinh học và lộ trình thay thế xăng RON 92 bằng xăng E5 thời gian tới – ông Vượng cho biết. 

* Sàng lọc đội ngũ cán bộ 

Trả lời câu hỏi của báo giới về việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức ở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, thời gian vừa qua có nhiều vụ việc gây dư luận không tích cực về nhân sự, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, thiếu hiệu quả của Bộ. Vì vậy, đây là dịp để Bộ Công Thương, đặc biệt là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có hành động, quyết tâm cải tổ, xây dựng lại bộ máy, cơ cấu tổ chức cho gọn nhẹ, hiệu quả hơn. 

Hiện Bộ Công Thương đã dự thảo Nghị định mới về cơ cấu tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ của Bộ. Về cơ cấu tổ chức, dự thảo Nghị định quy định Bộ có 28 đầu mối quản lý nhà nước, giảm 7 đầu mối so với trước đây. Khi sắp xếp lại cơ cấu các cục, vụ thì Bộ cũng sẽ phải sắp xếp lại về con người. Đây là dịp sàng lọc, đánh giá, bố trí lại đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm vào vị trí hợp lý để nâng cao chất lượng triển khai chức năng nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội. 

Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ, thời gian gần đây, dư luận phản ánh về việc ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ Văn hóa xã hội (Thanh tra Chính phủ) trong quá trình tham gia đoàn công tác thanh tra tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có phát ngôn gây dư luận không tốt. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần Thủ tướng là thông tin minh bạch, chủ động cung cấp cho các cơ quan thông tin truyền thông. Những gì không thuộc bí mật nhà nước đều phải công khai. Kết luận thanh tra của các cơ quan được thanh tra là được công bố rộng rãi, không có gì giấu giếm. Đây cũng là cách ứng xử, lời nói không đúng thì lên án, cán bộ công chức phải nói đúng. “Tôi tiếp nhận ý kiến phản ánh của báo chí, truyền tải đến Tổng Thanh tra Chính phủ để rút kinh nghiệm kiểm điểm sâu sắc việc này, không để cán bộ như vậy”, Bộ trưởng khẳng định. 

Xung quanh thông tin năm 2012, ông Nguyễn Minh Mẫn không hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn được bổ nhiệm, Thứ trưởng Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo phải căn cứ vào điều kiện tiêu chuẩn và việc hoàn thành nhiệm vụ là một trong những điều kiện để bổ nhiệm. Bộ Nội vụ sẽ liên hệ với Thanh tra Chính phủ để làm rõ việc này và sẽ có thông tin chính thức. 

* Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã bàn đề án thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, trong đó có 3 nhóm giải pháp quan trọng. 

Nhóm giải pháp thứ nhất là về công tác chính trị tư tưởng. Đây là nhóm giải pháp, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trong đó giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, công chức, viên chức mẫu mực, thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường rà soát, kiểm điểm tập thể, cá nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4; đánh giá, xếp loại hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là người đứng đầu phải nêu gương. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương 4 được triển khai rộng rãi cho toàn Đảng, toàn dân nhưng trước hết, cán bộ, công chức phải làm gương mẫu mực. 

Nhóm giải pháp thứ hai là về cơ chế chính sách. Thủ tướng đã giao các ban, ngành, địa phương quan tâm xây dựng thể chế, tránh "lợi ích nhóm" trong xây dựng thể chế; hoàn thiện chính sách, chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng một việc giao cho nhiều cơ quan, chồng chéo, đan xen. Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, phân định rõ ràng, gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát, trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực. 

"Theo phản ánh của báo chí, nhiều bộ, ngành, địa phương khi trả lời về công tác cán bộ thì "đúng quy trình" nhưng vấn đề là quy trình như thế nào? Do đó cần công khai, minh bạch để có sự giám sát của báo chí, người dân về công tác cán bộ; tập trung xây dựng quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành, địa phương theo tinh thần tinh giản biên chế, gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo hướng tự chủ" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ. 

Nhóm giải pháp thứ ba được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập là hướng đến tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức, viên chức. "Liên quan các vụ việc cán bộ đánh người thời gian qua, đó là việc chúng ta lên án. Đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, không thể chấp nhận hành vi thiếu văn hóa, thiếu gương mẫu như thế. Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngoài việc xây dựng Nghị định về về văn hóa từ chức thì phải quy định về văn hóa ứng xử, chấp hành kỷ luật, kỷ cương công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tránh tình trạng "bắn chỉ thiên". Các thành viên Chính phủ, các Bộ trưởng phải thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri cả nước. Chính phủ và các bộ, ngành đang cố gắng hoàn thiện đề án để dự kiến triển khai ngay đầu năm 2017" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ. 

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định rõ dư luận đồn thổi đổi tiền là thông tin thất thiệt, vì đổi tiền là vấn đề trọng yếu của quốc gia. Đất nước ta đang ổn định và phát triển, những thông tin đó đưa ra đều bất lợi, là thông tin bịa đặt. 

Về lớp học kích não tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết Bộ chưa cấp phép bất cứ hình thức lớp học nào như vậy. Tất cả các phương pháp giáo dục phải được nghiên cứu kỹ càng, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để tránh những hậu quả tai hại đến sự phát triển tự nhiên của trẻ em. Hiện Bộ Giáo dục Đào tạo đang yêu cầu cơ quan đại diện của Bộ tại phía Nam nắm tình hình để báo cáo rõ về vấn đề này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục