Họp báo Chính phủ thường kỳ: Kinh tế xã hội tháng đầu năm ghi nhận nhiều chỉ số tích cực

16:57' - 05/02/2025
BNEWS Dù số ngày làm việc ít hơn cùng kỳ nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm tiếp tục phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Chiều 5/2, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ.

 

Mở đầu họp báo, ông Trần Văn Sơn cho biết, dù số ngày làm việc ít hơn cùng kỳ nhưng tình hình kinh tế - xã hội tháng đầu năm tiếp tục phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 3,07%.

Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối tương đối ổn định, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đến ngày 20/1, huy động vốn giảm 0,43%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,08% so với cuối năm 2024.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước tháng 1/2025 ước đạt 275,9 nghìn tỷ đồng, đạt 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 134,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% dự toán và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn FDI đăng ký hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%. Hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 4,3%, nhập khẩu giảm 2,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.

Đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 tăng 0,6% so với cùng kỳ do có số ngày làm việc ít hơn năm trước (tháng Tết năm 2024 giảm 6,8%). Khu vực dịch vụ tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu năm đạt gần 10,7 nghìn doanh nghiệp, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, có gần 22,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục