Hợp long cầu Việt Trì - Ba Vì nối tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội

11:33' - 26/06/2018
BNEWS Sau 3 năm triển khai, sáng 26/6, cây cầu bắc qua sông Hồng nối Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) với Ba Vì (Hà Nội) với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã chính thức hợp long.

Theo dự kiến, ngày 14/7, cầu sẽ chính thức thông xe kỹ thuật; cuối tháng 8/2018, cho phép các phương tiện lưu thông qua cầu và chính thức thu vé từ ngày 1/10.

Tại lễ hợp long, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, thành phố Việt Trì và huyện Ba Vì đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các đơn vị nhà thầu thi công và cam kết tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị thi công hoàn thiện dự án.

Đặc biệt, đối với một số vướng mắc về giải phóng mặt bằng bên phía Hà Nội, lãnh đạo huyện Ba Vì cũng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị để giải quyết dứt điểm và sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C với tổng mức đầu tư hơn 1.460 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ là nhà đầu tư thực hiện dự án; được hoàn vốn cho dự án bằng việc sử dụng trạm thu phí đặt tại Km7+160 thuộc địa phận xã Phú Cường, huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội và mức phí đối với xe tiêu chuẩn là 35.000 đồng/xe với thời gian thu phí khoảng 20 năm.

Cầu Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu xây dựng trên địa phận các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Phú Đông, Vạn Thắng, Phú Cường của huyện Ba Vì và phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì.

Điểm đầu của Dự án (phía Hà Nội) kết nối với Quốc lộ 32 tại lý trình Km59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối Dự án (phía Phú Thọ) giao với Quốc lộ 32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn, TP.Việt Trì.

Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46km. Trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì-Ba Vì nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C nhằm nối tỉnh Phú Thọ với thủ đô Hà Nội và giao thông trong vùng; khai thác tiềm năng du lịch dịch vụ; mở rộng, lan tỏa vùng động lực của Hà Nội với tỉnh Phú Thọ và các tỉnh vùng Tây Bắc, tạo ra hạ tầng giao thông đồng bộ của khu vực./.

Xem thêm:

>>>Hợp long cầu Bạch Đằng nối Quảng Ninh và Hải Phòng

>>>Quảng Ngãi hợp long cầu Thạch Bích vượt sông Trà Khúc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục