Hợp lực quảng bá du lịch vùng Tây Bắc

14:33' - 16/12/2017
BNEWS Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định để thúc đẩy du lịch vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế cần triển khai các giải pháp then chốt.
Ruộng bậc thang ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN

Ngày 16/12, tại thành phố Lào Cai, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức "Hội nghị quảng bá xúc tiến liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Bắc".

Hội nghị do đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các tỉnh, các bộ, ban, ngành.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra thực trạng và bàn thảo các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển du lịch vùng Tây Bắc; lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp lữ hành.

Hội nghị thống nhất Tây Bắc có những tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, là nơi hội tụ của nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc sắc và mang tính đặc thù cao. Tuy vậy, việc phát huy tiềm năng xây dựng sản phẩm du lịch liên kết giữa các địa phương để cùng phát triển vẫn còn hạn chế nên du lịch Tây Bắc vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định để thúc đẩy du lịch vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế cần triển khai các giải pháp then chốt. Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm và liên kết sản phẩm du lịch đặc trưng.

Các địa phương cần phối hợp với các doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp tiềm năng sẵn có và những hướng phát triển sắp tới của du lịch địa phương cũng như định hướng phát triển chung của vùng, cả nước.

Hội nghị đã giới thiệu một số sản phẩm liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc với hình thức đa dạng, tuyến "tour" phong phú mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng của Công ty Thương mại dịch vụ Lữ hành Saigontourist, Hanoitourist, Công ty Cổ phần du lịch và tiếp thị giao thông vận tải Viettravel, Công ty Thiên đường Á Châu...

Điểm chung của các chương trình du lịch này là tập trung mang đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ với những lễ hội truyền thống, phiên chợ vùng cao đặc sắc, ẩm thực độc đáo, cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ đặc trưng của vùng núi phía Bắc, tham quan di tích lịch sử đặc biệt...

Tuy vậy, theo các doanh nghiệp lữ hành, để thúc đẩy phát triển du lịch Tây Bắc, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc cần phải được ưu tiên đi trước một bước.

Các địa phương cần sớm hình thành hệ thống giao thông đường bộ kết hợp được các hình thức vận tải đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh (trong đó có phát triển du lịch) như: hoàn thiện mở rộng quốc lộ số 2, mở rộng các góc cua trên địa phận Hà Giang để đảm bảo an toàn cho du khách, hoàn thiện việc sửa chữa quốc lộ 4A...

Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh mẽ và mở thêm các nhà lưu trú phục vụ khách du lịch tại các làng bản cộng động, xây dựng các trạm dừng nghỉ phục vụ khách trên các trục quốc lộ; có đường dây nóng để giải quyết các phát sinh trong quá trình phục vụ khách mà vượt tầm kiểm soát của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, phải hình thành cầu nối với các nhà cung cấp dịch vụ: lưu trú, vận chuyển, điểm tham quan, nhà hàng, điểm mua sắm... để thống nhất chương trình và mức giá cho từng giai đoạn phù hợp với chiến lược tiếp thị và quảng bá để cùng thu hút khách.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình chỉ rõ, một trong những khâu còn yếu, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để khắc phục đó là vấn đề hợp tác, liên kết trong phát triển du lịch Tây Bắc; cần sớm hình thành được không gian liên kết trên phạm vi toàn vùng và từng tiểu vùng.

Thời gian tới, để thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng, tiểu vùng trong du lịch Tây Bắc, các địa phương cần tập trung mạnh vào phát triển hạ tầng giao thông và đào tạo nguồn nhân lực cho Tây Bắc vì để phát triển kinh tế - xã hội Tây Bắc nói chung và phát triển du lịch Tây Bắc, 2 yếu tố quan trọng nhất là hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực. Đảng, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù cho hỗ trợ phát triển Tây Bắc.

Bên cạnh đó, sớm xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Bắc và từng tiểu vùng đến năm 2030; hoàn thành quy hoạch du lịch ở những tỉnh chưa có quy hoạch.

Hiện ở Tây Bắc mới có các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang xây dựng được quy hoạch tổng thể phát triển du lịch du lịch cấp tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo du lịch cấp toàn vùng (hoặc Ban điều phối phát triển du lịch vùng Tây Bắc)...

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp và địa phương đã ký cam kết liên kết xúc tiến sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc theo 4 tuyến: Công ty Saigontourist với Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn; Công ty Lữ hành Hanoitourist với Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; Công ty Viettravel với Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang; Công ty Thiên Đường Á Châu với tỉnh Sơn La./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục