Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin

18:28' - 19/08/2022
BNEWS Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tỉnh mong muốn có nhiều dự án khởi nghiệp công nghệ được hình thành từ trường Đại học Huế.

Trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên  - Huế năm 2022, chiều 19/8, Đại học Huế phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Lễ ký kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực và giao lưu học sinh, sinh viên với chủ đề "Chuyển đổi số với tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ".

 

Theo đó, hai bên thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy kết nối hợp tác đổi mới sáng tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Hai bên cam kết hợp tác, tập trung thực hiện một số nội dung chủ yếu như đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; thực tập, tuyển dụng; tổ chức các sự kiện: hội nghị, hội thảo khoa học, cập nhật, trao đổi thông tin, giao lưu, ngày hội việc làm, giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường; hợp tác về lĩnh vực truyền thông, phát triển thương hiệu…

Hằng năm, Đại học Huế kết hợp với các đầu mối phụ trách các lĩnh vực hoạt động của thành phố sẽ cùng VINASA trao đổi và xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng hoạt động hợp tác.

Việc ký kết giữa lãnh đạo Đại học Huế và lãnh đạo VINASA góp phần quan trọng trong việc phối hợp đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cung ứng cho thị trường lao động chất lượng cao trong xu thế của kỷ nguyên số và công nghiệp lần thứ tư.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế khẳng định, Đại học Huế là một trong những đại học tiên phong trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục và tiến đến phát triển đại học số.

Đại học Huế hiện có đội ngũ hàng đầu trong cả nước với hơn 1.000 tiến sỹ đang trực tiếp đào tạo và chuyển giao các lĩnh vực quan trọng góp phần thành công cho công cuộc chuyển đổi số trên toàn quốc và từng bước hội nhập quốc tế như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo; tự động hóa và công nghệ số; kỹ thuật phần mềm; an toàn thông tin và an ninh mạng; công nghệ truyền thông số...

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hiện nay, tỉnh đang tích cực thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có 10.000 nhân lực công nghệ thông tin.

Đại học Huế sẽ là đơn vị chủ trì trong việc đào tạo nguồn nhân lực này, đây cũng là cơ hội việc làm cho các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Ông Phan Ngọc Thọ mong muốn có nhiều dự án khởi nghiệp công nghệ được nuôi dưỡng, hình thành từ các bạn trẻ qua quá trình học tập, đào tạo, rèn luyện trong môi trường Đại học Huế.

Ngay sau lễ ký kết, đã diễn ra chương trình giao lưu với chủ đề "Chuyển đổi số với tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ" với sự tham gia của hơn 600 học sinh, sinh viên cùng với 5 diễn giả là nhà quản lý, nhà công nghệ, chủ doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam.

Các học sinh, sinh viên đã được nghe các diễn giả chia sẻ về tầm quan trọng của quá trình chuyển đổi số, các lĩnh vực là thế mạnh mà thế hệ trẻ Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Thừa Thiên - Huế nói riêng có rất nhiều lợi thế, tiềm năng trong xây dựng, phát triển công nghệ và cung ứng dịch vụ cho xã hội.

Đồng thời, các bạn trẻ được lắng nghe chia sẻ về tiềm năng, cơ hội nghề nghiệp các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong tuyển dụng cũng như thu nhập hấp dẫn từ các nhà tuyển dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục